Trở lại xã Bộc Nhiêu (Định Hóa) vào những ngày cuối tháng 11, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay rõ nét của địa phương miền núi này. Nhờ chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đời sống vật chất, tinh thần của người dân Bộc Nhiêu từng bước được cải thiện và nâng cao. Diện mạo xã nông thôn mới theo đó cũng khởi sắc từng ngày.
Mỗi tháng, Hợp tác xã nông nghiệp Toàn Thắng, ở xóm Lạc Nhiêu, cung cấp ra thị trường 10 tấn gà hơi và trên 20 nghìn quả trứng gà. |
Tận dụng diện tích đất đồi bãi, vài năm trở lại đây, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Bộc Nhiêu đã tập trung phát triển chăn nuôi để nâng cao thu nhập. Đơn cử như Hợp tác xã nông nghiệp Toàn Thắng, ở xóm Lạc Nhiêu, đã duy trì sản xuất, chăn nuôi gà an toàn theo hướng VietGAP.
Những ngày này, bà con trong Hợp tác xã đang tích cực chăm sóc đàn gà để phục vụ thị trường dịp Tết. Anh Phạm Ngọc Nam, Giám đốc Hợp tác xã, chia sẻ: Trước đây, bà con thường chăn nuôi nhỏ lẻ, lại chưa chú trọng đến khâu tiêm vắc-xin phòng dịch bệnh nên hiệu quả kinh tế thấp. Từ khi thành lập Hợp tác xã, chuồng trại chăn nuôi được làm kiên cố nên hạn chế gió lùa vào mùa Đông, có quạt thoáng mát về mùa Hè, công tác phòng dịch cũng được chú trọng. Nhờ vậy, đàn gà sinh trưởng, phát triển tốt, sản phẩm có đầu ra ổn định.
Trung bình 1 tháng, Hợp tác xã nông nghiệp Toàn Thắng cung cấp ra thị trường 10 tấn gà hơi và trên 20 nghìn quả trứng gà. Năm nay, giá gà đạt trung bình 68 nghìn đồng/kg và giá trứng là 3 nghìn đồng/quả, tăng khoảng 25% so với năm ngoái nên bà con có nguồn thu nhập ổn định hơn.
Không chỉ riêng Hợp tác xã nông nghiệp Toàn Thắng, trên địa bàn xã Bộc Nhiêu hiện còn có hơn 10 hộ đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô vừa và lớn, đem lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Bà Hoàng Thị Liên, ở xóm Trung Tâm, xã Bộc Nhiêu, chăm sóc đàn lợn của gia đình. |
Ngoài chăn nuôi, bà con xã Bộc Nhiêu cũng khai thác tốt thế mạnh diện tích đất lâm nghiệp, tập trung phát triển kinh tế đồi rừng. Cùng với bảo vệ hiệu quả diện tích rừng tự nhiên, người dân tích cực trồng cây, gây rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, nâng cao hiệu quả rừng trồng. Với diện tích rừng sản xuất hơn 1.260ha, xã Bộc Nhiêu tập trung chỉ đạo, hướng dẫn người dân trồng các loại cây nguyên liệu như: quế, keo…
Bà Hoàng Thị Liên, một hộ dân ở xóm Trung Tâm, cho hay: Nhà tôi có 2ha keo, sau 1 chu kỳ trồng từ 5-7 năm cho thu hoạch được 90 triệu đồng/ha. Cùng với trồng rừng, gia đình tôi còn đào ao thả cá và nuôi hơn 200 con lợn/lứa. Nhờ có nguồn thu nhập ổn định từ trồng trọt, chăn nuôi, kinh tế gia đình bà Liên ngày càng phát triển. Hiện nay, gia đình bà đã thay thế ngôi nhà mái lá bằng nhà cao tầng và sắm sửa được các vật dụng phục vụ đời sống như: ô tô, tủ lạnh, máy giặt…
Tìm hiểu chúng tôi được biết, xác định nông nghiệp là chủ đạo trong phát triển kinh tế, thời gian qua, xã Bộc Nhiêu đã chú trọng tuyên truyền, vận động người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cùng với đó, xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn triển khai mô hình trồng trọt, chăn nuôi để bà con học tập kinh nghiệm. Với 200ha đất lúa, bà con đã từng bước thay thế các giống lúa dài ngày bằng giống lúa có năng suất chất, lượng cao như: J02, Thiên ưu 8, TBR225… Nhờ vậy, năng suất lúa của xã đã tăng từ 49 tạ/ha (năm 2015) lên 55 tạ/ha (năm 2022).
Ngoài ra, những diện tích đất canh tác kém hiệu quả, bà con đã cải tạo thành vườn trồng bưởi, cam, thanh long… trù phú. Đối với sản xuất chè, bà con đã từng bước liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đơn cử như Hợp tác xã Đồng Tiến. Với lĩnh vực kinh doanh chủ yếu là chăn nuôi và sản xuất tiêu thụ chè, hằng năm, Hợp tác xã cung ứng ra thị trường hơn 27 tấn chè búp khô, cùng một số sản phẩm thịt lợn, thủy sản… Doanh thu đạt khoảng 2,5 tỷ đồng/năm, góp phần tạo việc làm cho trên 10 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
Nhờ những định hướng đúng đắn trong phát triển kinh tế, đời sống người dân xã Bộc Nhiêu đã từng bước đượccải thiện và nâng cao. Nếu như năm 2016, thu nhập bình quân đầu người toàn xã mới đạt 18 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2021 đã tăng gấp đôi, là 36 triệu đồng/người/năm. Hiện nay, các tuyến đường trục chính của xã được bê tông hóa; ô tô, xe máy có thể đến tận nơi thu mua nông sản của bà con. Các công trình trạm y tế, trường học, nhà văn hóa… được đầu tư đồng bộ.
Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, bà con đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, thay đổi tập quán trong tổ chức hiếu, hỉ, xây dựng nếp sống văn minh. Sự đổi thay ở xã Bộc Nhiêu là minh chứng rõ nhất cho những thay đổi trong tư duy, nhận thức, hành động của chính quyền, người dân ở xã miền núi hôm nay. Năm 2021, xã Bộc Nhiêu đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Trao đổi với chúng tôi về những nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, ông Lê Đình Ngà, Chủ tịch UBND xã Bộc Nhiêu, cho biết: Trong năm 2023, chúng tôi phấn đấu tiếp tục hoàn thiện, duy trì và giữ vững các tiêu chí nông thôn mới đã đạt. Đặc biệt, địa phương xác định phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân vẫn là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt để nông thôn mới thực sự bền vững.
Rời Bộc Nhiêu khi nắng chiều đã tắt, đi trên con đường bê tông phẳng phiu xen giữa màu xanh bạt ngàn của những rừng keo, chúng tôi cảm nhận được sức sống mới ở vùng quê thanh bình. Chúng tôi cũng vững niềm tin rằng, với sự nỗ lực của chính quyền cùng người dân, Bộc Nhiêu sẽ có nhiều chuyển biến mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin