Hiệu quả từ một chương trình tín dụng chính sách

Chung An 16:54, 17/12/2022

Với mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng sau dịch COVID-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (gọi tắt là Nghị quyết số 11); triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Từ đó đem lại hiệu quả thiết thực đối với các tổ chức, cá nhân trên cả nước, trong đó có TP. Thái Nguyên.

Được hỗ trợ nguồn vốn vay theo Nghị quyết số 11, Trường Mầm non Sao Việt, phường Quang Vinh (TP. Thái Nguyên) có thêm điều kiện mua sắm đồ chơi; cải tạo cơ sở vật chất.
Được hỗ trợ vốn vay theo Nghị quyết số 11, Trường Mầm non Sao Việt (phường Quang Vinh, TP. Thái Nguyên) có thêm điều kiện mua sắm đồ chơi, cải tạo cơ sở vật chất.

Cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập theo là Nghị quyết số 11 là một trong số nhiều chương trình đã và đang đem lại hiệu quả tích cực cho các nhà trường sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bởi lẽ, những tác động của dịch bệnh đã buộc các cơ sở mầm non, tiểu học phải cho trẻ tạm dừng đến trường, ảnh hưởng đến doanh thu của các nhà trường; cán bộ, giáo viên vì thế cũng không có việc làm.

Chị Hoàng Hà, Quản lý Trường Mầm non Sao Việt (phường Quang Vinh, TP. Thái Nguyên) chia sẻ: Quý 2/2022, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Nhà trường được vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Số tiền này, chúng tôi đã sử dụng để mua sắm trang thiết bị học tập; thiết bị phòng, chống dịch bệnh; cải tạo, sửa chữa khu vực vui chơi cho trẻ. Số tiền tuy không lớn nhưng đã hỗ trợ Nhà trường giải quyết nhiều vấn đề tại thời điểm không có doanh thu do dịch bệnh. Đặc biệt, với lãi suất thấp (chỉ 3,3%/năm), phân kỳ trả gốc nên rất thuận lợi cho Nhà trường.

Cũng từ chương trình cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, Trường Mầm non Hoa Trạng Nguyên được giải ngân nguồn vốn 500 triệu đồng, cho 5 cơ sở trên địa bàn TP. Thái Nguyên.

Theo lãnh đạo Nhà trường, chương trình là nguồn động viên, sự hỗ trợ, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Toàn bộ số tiền được vay, Nhà trường góp thêm để đầu tư mua sắm đồ chơi; sửa chữa khu vui chơi cho trẻ nhằm phục vụ tốt nhất việc học của các con.

Ngoài cho vay đối với các cơ sở giao dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, Nghị quyết số 11 còn mở rộng đối tượng vay với các nội dung khác, như: vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; vay nhà ở xã hội; vay đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến và vay thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030.

Tổng nguồn vốn cho vay của các chương trình theo Nghị quyết số 11 trên địa bàn TP. Thái Nguyên tính đến hết tháng 11/2022 đạt trên 12,8 tỷ đồng (tổng số vốn được phân bổ hơn 19,6 tỷ đồng). Trong đó, vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là 10 tỷ đồng; cho vay nhà ở xã hội 1,5 tỷ đồng; cho vay đối với các cơ sở giao dục mầm non, tiểu học ngoài công lập trên 1,3 tỷ đồng…

Theo lãnh đạo Hội sở Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, ngay sau khi nhận được văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, Hội sở Chi nhánh đã chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác; các phòng, ngành liên quan và UBND cấp xã tổ chức tuyên truyền chính sách tín dụng ưu đãi đến người dân. Đồng thời tiến hành rà soát các nhóm đối tượng có nhu cầu, đủ điều kiện thực hiện giải ngân. 

Theo đánh giá, đây là chương trình tín dụng có ý nghĩa nhân văn, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân có điều kiện phục hồi phát triển kinh tế sau dịch bệnh. Hiện nay, dựa trên nhu cầu của các nhóm đối tượng, Hội sở đang hoàn thiện các hồ sơ để giải ngân, phấn đấu đến hết tháng 12 sẽ đạt 100% kế hoạch đề ra.