Lợi ích bền vững từ trồng chè hữu cơ

Thu Huyền 08:38, 12/12/2022

Toàn huyện Đại Từ hiện có trên 6.600ha chè, với nhiều vùng chè nổi tiếng như: La Bằng, Hoàng Nông, Phú Xuyên… Nhằm đáp ứng những đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường, bảo vệ môi trường sinh thái cũng như sức khỏe của người sản xuất, người tiêu dùng, những năm gần đây, nhiều hộ trồng chè trên địa bàn đã quan tâm và chuyển hướng sang sản xuất chè hữu cơ.

Người dân xã La Bằng thu hái chè hữu cơ.

Giữa tháng 10 vừa qua, sau gần 3 năm triển khai mô hình, 15ha chè của 2 xã Phú Xuyên và La Bằng đã đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam TCVN 1104-2:2017, TCVN 1104-6:2018. Đến thời điểm này, đây cũng là diện tích chè đầu tiên của huyện Đại Từ được chứng nhận hữu cơ.

Ông Đỗ Minh Tuân, Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) sản xuất chè hữu cơ Tân Sơn, xã La Bằng, chia sẻ: 10ha chè với sự tham gia của gần 50 thành viên THT đã được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam. Vậy là những nỗ lực của bà con đã thu “trái ngọt”. Sau 2 năm bị sụt giảm đáng kể về sản lượng, thậm chí không cho thu những lứa đầu tiên, đến nay, năng suất, sản lượng đã hồi phục và có dấu hiệu tiến triển, mỗi ha cho thu khoảng 130 tạ chè búp tươi.

Cũng theo ông Tuân, nhiều khách hàng đánh giá chất lượng chè thay đổi rõ rệt, búp chè tươi có màu xanh sáng, lá chè dày, đọt chè ngắn; trà pha có vị đậm, chát dịu, ngọt hậu. Đặc biệt, lợi nhuận thu được từ sản xuất hữu cơ đạt gần 600 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với sản xuất thông thường gần 30%. Cụ thể, nếu trước đây, mỗi kg chè tươi, người dân chỉ bán được với giá trên dưới 30.000 đồng thì chè hữu cơ bán được 40.000-50.000 đồng/kg, thậm chí 70.000-80.000 đồng/kg với chè chất lượng tốt. Nguyên nhân là do phần lớn chè hữu cơ được chế biến thành các sản phẩm cao cấp.

Nhiều thế hệ người dân ở huyện Đại Từ gắn bó với công việc chăm sóc và thu hoạch chè, do vậy, chính họ là những người cảm nhận rõ nhất về những ưu việt khi chuyển hướng sang canh tác chè theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Ông Đỗ Thành Lân, thành viên THT chè hữu cơ xóm Chính Phú, xã Phú Xuyên, bộc bạch: Trước đây, người làm chè ai cũng dùng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học. Vì thế, trong người lúc nào cũng khó chịu, mệt mỏi, cả với người tiếp xúc trực tiếp hoặc sinh sống quanh những đồi chè. Khi chuyển sang phương pháp hữu cơ, ai nấy đều phấn khởi, an tâm sản xuất mà không lo độc hại nữa. Người sử dụng chè thì lại càng yên tâm, bởi cây chè được nâng niu, chăm sóc trong môi trường, nguồn nước trong lành. Đó là lợi ích tuyệt vời mà chè hữu cơ mang lại.

Chè hữu cơ thường được chế biến thành các sản phẩm cao cấp, đem lại giá trị kinh tế cao.

Khi những nương chè dần thích nghi với phương thức canh tác mới, hiệu quả về kinh tế còn được thể hiện ở chi phí chăm sóc giảm đáng kể so với dùng phân và thuốc trừ sâu hóa học. Chất đất đã không còn bị chai cứng mà trở nên tơi xốp, dễ canh tác. Từ đó tiết kiệm được nước tưới vì đã có lớp mùn dày bám trên mặt đất. Những thiên địch có lợi dần phát triển, giải quyết vấn đề sâu bệnh, bà con không còn phải phun thuốc trừ sâu hóa học tràn lan như trước. Môi trường đất, nước và không khí vì thế đều được cải thiện.

Người làm chè cũng thêm yên tâm sản xuất khi hiện nay, sản phẩm của các hộ dân tham gia mô hình chè hữu cơ đều được Công ty TNHH trà Tuất Thoi, Hợp tác xã (HTX) chè La Bằng và một số công ty, HTX trong và ngoài tỉnh bao tiêu. Từ đó, hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Từ những lợi ích về kinh tế, môi trường cùng với tính an toàn cho người sản xuất, tiêu dùng đã được cơ quan chuyên môn khảo sát, đánh giá và kiểm nghiệm, ngày càng nhiều người dân ở Đại Từ quan tâm, mong muốn tham gia, chuyển đổi sang canh tác theo phương pháp hữu cơ.

Đơn cử như mô hình ở HTX Nông nghiệp bền vững, xã Phú Cường; HTX chè Tân Tiến, xã Minh Tiến; THT chè an toàn xã Tân Linh… với tổng diện tích trên 100ha. Ông Đinh Xuân Tuyến, Chủ tịch UBND xã Tân Linh, cho biết: Cùng với 170ha chè VieGAP, xã còn có 12ha chè đang thực hiện canh tác theo phương pháp hữu cơ ở năm thứ 3. Chúng tôi đang cùng với người dân và các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thiện thủ tục để cấp chứng nhận hữu cơ đối với diện tích chè nói trên. Thời gian tới, xã Tân Linh phấn đấu tiếp tục mở rộng các vùng chè an toàn, để địa phương không chỉ được biết đến là vựa chè lớn nhất huyện mà còn là vùng chè nguyên liệu an toàn, chất lượng cao.

Ngoài lợi ích về kinh tế nông nghiệp, hiện nay, nhiều vùng chè an toàn ở Đại Từ đã trở thành những địa điểm thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, đồng thời, giúp các cơ sở sản xuất, HTX quảng bá và bán sản phẩm cho du khách. Điều này đã góp phần gia tăng lợi nhuận cho các đơn vị sản xuất. HTX chè La Bằng, HTX chè Hoàng Nông, HTX chè Nhật Thức… là những đơn vị làm khá tốt hoạt động này trong các năm gần đây.

Bà Nguyễn Thị Hải, Giám đốc HTX chè La Bằng, cho hay: Từ đầu năm 2022 đến nay, HTX đã đón trên 100 đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm. Du khách đến với địa phương không chỉ được hòa mình vào cảnh quan tuyệt đẹp của núi rừng, sông suối mà còn có thể chụp ảnh trên những đồi chè thơm ngát, trong lành; được trải nghiệm các công đoạn từ việc hái chè, chế biến thành phẩm đến tìm hiểu về văn hóa trà, làm bánh cùng bà con nông dân.

Theo ông Triệu Hồ Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ: Nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất chè theo hướng bền vững, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân trong sản xuất, chế biến chè an toàn, hữu cơ. Song song với đó, huyện cũng tiếp tục tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm hướng bao tiêu ổn định cho sản phẩm chè an toàn. Với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm cây trồng chủ lực, huyện Đại Từ phấn đấu đến năm 2030, diện tích chè theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ chiếm 65% tổng diện tích chè toàn huyện.



Đơn vị cung cấp Công Nghệ Thiên Nhiên Từ Trà Việt uy tínĐơn vị cung cấp Đẳng Cấp Đích Thực Với Trà Việt uy tín