Khai thác lợi thế mặt nước trên các ao, hồ, thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn TP. Sông Công đã tập trung phát triển chăn nuôi thủy sản. Qua đó, góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.
Khai thác lợi thế trên hồ Ghềnh Chè, Hợp tác xã du lịch cộng đồng Ghềnh Chè, thuộc xóm Tiền Tiến, xã Bình Sơn (TP. Sông Công) đã đầu tư nuôi cá lồng, mang lại hiệu quả cao. |
Là một trong những hộ có diện tích nuôi cá thương phẩm lớn trên địa bàn phường Châu Sơn (khoảng 2.000m2), hằng năm, ông Trịnh Đình Phú, ở tổ dân phố 1, thu hoạch hơn 1 tấn cá các loại, lợi nhuận đạt khoảng 50 triệu đồng. Theo ông Phú, thức ăn cho cá phần lớn được gia đình tận dụng từ nguồn phế phẩm trong nông nghiệp, như: cỏ, lá chuối, cám ngô, gạo... nên chi phí chăn nuôi không quá lớn. Việc áp dụng hình thức chăn nuôi an toàn đã giúp vật nuôi phát triển ổn định, lượng cá sau mỗi vụ thu hoạch được tiêu thụ thuận lợi tại địa phương.
Theo ông Ngô Quảng Bá, Trưởng phòng Kinh tế TP. Sông Công: Địa phương có 7 công trình hồ, đập và khoảng 187km kênh, mương. Xét về diện tích mặt nước và điều kiện tự nhiên để nuôi trồng thủy sản, thành phố không có nhiều lợi thế so với những địa phương khác trong tỉnh. Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cùng sự năng động, nhạy bén trong phát triển kinh tế, thời gian qua, các hộ dân đã chủ động thay đổi tập quán canh tác từ chăn nuôi tự nhiên sang nuôi thâm canh và bán thâm canh, với các giống cá cho năng suất và thu nhập cao, như: chuối hoa, trắm cỏ, diêu hồng, rô phi đơn tính... Đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn TP. Sông Công tăng lên khoảng 135ha (năm 2020 là 130ha), sản lượng đạt 660 tấn (tăng 50 tấn so với năm 2020).
Hằng năm, TP. Sông Công cũng đưa ra các giải pháp phát triển chăn nuôi thủy sản theo hướng an toàn, bền vững, ứng dụng khoa học kỹ thuật; tích cực hỗ trợ người dân triển khai những mô hình hiệu quả, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, tập quán canh tác. Qua đó, vừa đáp ứng nhu cầu tự cung, tự cấp vừa phục vụ nhu cầu thị trường gắn với phát triển du lịch sinh thái.
Trên địa bàn TP. Sông Công hiện đã xây dựng được trên 30 mô hình nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân cải thiện thu nhập. Đặc biệt, tại hồ Ghềnh Chè, thuộc xóm Tiền Tiến, xã Bình Sơn, các hộ dân sinh sống ở khu vực ven hồ đã nhân rộng mô hình nuôi cá lồng (với tổng số trên 30 lồng cá, mỗi lồng có thể tích 30-50m3). Mô hình này hiện cho thu nhập khá, tạo việc làm cho lao động cũng như đáp ứng nguồn thực phẩm cho dịch vụ ăn uống tại Khu du lịch sinh thái Ghềnh Chè.
Anh Lê Văn Hiệp, Giám đốc Hợp tác xã du lịch cộng đồng Ghềnh Chè, cho biết: Hợp tác xã hiện đang duy trì hai loại hình dịch vụ chính là nuôi trồng thuỷ sản và phát triển du lịch cộng đồng. Riêng về nuôi trồng thủy sản, đơn vị tập trung nuôi các loại cá thương phẩm như: trắm, chép, diêu hồng kết hợp với cá cảnh, nhằm phục vụ nhu cầu ăn uống, tham quan của khách du lịch. Đến nay, Hợp tác xã đã phát triển diện tích nuôi lên 180m2 với 4 lồng cá, sản lượng bình quân đạt trên 6 tấn/năm.
Từ những chuyển biến tích cực trong phát triển nuôi trồng thủy sản, TP. Sông Công xác định đây cũng là một trong những định hướng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và mang lại hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, cùng với hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, thành phố cũng chú trọng đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kênh, mương, cống thoát nước tại các xã, phường, nhằm tạo động lực cho người dân cải tạo ao, hồ để phát triển, mở rộng quy mô nuôi trồng thủy sản.
Trong năm 2022, cơ quan chuyên môn của TP. Sông Công đã mở 10 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi thủy sản, giúp người dân lựa chọn con giống phù hợp, chủ động các biện pháp chăm sóc, phòng dịch bệnh cho vật nuôi; hỗ trợ cải tạo, vệ sinh môi trường hơn 500m2 mặt nước tại phường Châu Sơn, xã Bình Sơn..
Thực tế cho thấy, việc phát triển công nghiệp và đô thị trên địa bàn TP. Sông Công những năm qua cũng đã giúp mở ra thị trường tiêu thụ nông sản tốt cho địa phương, trong đó có nguồn lợi thủy sản. Trên cơ sở này, hơn 500m2 phấn đấu đến năm 2025, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tăng lên 150ha, sản lượng đạt trên 690 tấn.
Để thực hiện mục tiêu này, thành phố tiếp tục chỉ đạo các xã, phường khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về diện tích đất, mặt nước và các nguồn lực để phát triển thủy sản. Đồng thời khuyến khích, đầu tư tăng diện tích nuôi thâm canh đối với ao gia đình bằng các giống cá có năng suất và giá trị kinh tế cao; đẩy mạnh phát triển các vùng nuôi, trồng thuỷ sản thâm canh tập trung tại các xã, phường có lợi thế về ao, hồ như: Bình Sơn, Lương Sơn, Châu Sơn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin