Đại Từ đánh thức những tiềm năng

Thu Huyền 15:18, 08/01/2023

Là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh, Đại Từ có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp, du lịch và dịch vụ. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh… với đích đến là xây dựng huyện Đại Từ trở thành vùng kinh tế nông nghiệp - du lịch hàng đầu của tỉnh.

Hiện nay, chè là cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế ở Đại Từ, đồng thời là cơ sở để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với văn hóa trà trên địa bàn huyện.
Hiện nay, chè là cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế ở Đại Từ, đồng thời là cơ sở để phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà trên địa bàn huyện.

Giàu tiềm năng, lợi thế 

Lợi thế nổi trội để phát triển du lịch ở Đại Từ đó chính là Khu du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc nằm ở phía Nam của huyện, cùng hệ thống cảnh quan, hệ thực vật phong phú dọc sườn Đông Tam Đảo. Đây là cơ sở để hình thành các điểm du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng mà không phải địa phương nào cũng có được. Cùng với các dự án đầu tư tầm cỡ đang được triển khai nhằm phát huy thế mạnh của hồ Núi Cốc, tại các xã: La Bằng, Hoàng Nông, Mỹ Yên…, nhiều mô hình homestay, nông nghiệp kết hợp du lịch do nhân dân tự đầu tư đang phát triển mạnh mẽ.

Ông Triệu Văn Đông, Chủ tịch UBND xã La Bằng, thông tin: Trung bình mỗi năm, xã đón từ 10.000-15.000 lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm. Tận dụng dòng suối Kẹm trong xanh, điều kiện tiểu khí hậu mát mẻ, cùng nhiều đồi chè đẹp, một số hộ dân trong vùng đã đưa ra các dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của du khách. Đến nay, trên địa bàn xã đã có 2 địa điểm lưu trú dưới dạng homestay, 6 cơ sở phục vụ ăn uống. 

Bên cạnh đó, các mô hình nuôi cá nước lạnh, sản xuất, chế biến chè an toàn, trồng rau su su… cũng trở thành các địa điểm hút khách, đồng thời cung cấp nông sản phục vụ du khách. Với định hướng đẩy mạnh du lịch nông thôn, xã La Bằng đã thực hiện quy hoạch các điểm du lịch với tổng diện tích 96ha, quy hoạch vùng sản xuất chè tập trung gắn với phát triển du lịch; phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn cho người dân, cơ sở sản xuất chè về cách thức làm du lịch, quảng bá sản phẩm chủ lực của địa phương…

Toàn huyện Đại Từ hiện có 26 sản phẩm OCOP tiêu chuẩn từ 3-4 sao, trong đó nhiều nhất là sản phẩm chè. Với diện tích trên 6.600ha chè, cùng hơn 50 làng nghề, làng nghề chè truyền thống, cây chè đã mang lại “lợi ích kép” cho bà con nông dân khi vừa là sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, vừa có vai trò quan trọng trong phát triển du lịch gắn với văn hóa trà. 

Du khách đến với Đại Từ sẽ được tham quan những đồi chè xanh mướt, cùng người dân trải nghiệm phương thức chế biến chè. Tận dụng lợi thế này, các hộ dân, HTX chè đã thực hiện chỉnh trang đồi chè, xây dựng không gian riêng để thưởng trà, trưng bày sản phẩm, quảng bá các hoạt động trải nghiệm trên mạng xã hội để thu hút du khách. 

Ngoài thế mạnh về cây chè, hơn 2.000ha cây ăn quả với các vùng trồng tập trung (gồm bưởi, nhãn, chuối tiêu hồng…) ở các xã Hoàng Nông, Tiên Hội, Quân Chu… cũng là tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch nông thôn. 

Với nhiều dân tộc anh em cùng chung sống và có các loại hình nghệ thuật dân gian như hát Then, Si, Lượn của dân tộc Tày; lễ Cấp sắc, Tết nhảy của dân tộc Dao; hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu… đã tạo nên nét độc đáo, phong phú về văn hóa ở các xã, thị trấn của huyện, là điểm nhấn trong phát triển du lịch tại địa phương. Bên cạnh đó, với hệ thống gần 170 điểm di tích, danh thắng cùng nhiều đình, đền, chùa trên địa bàn là điểm thu hút khách thập phương đến với Đại Từ, góp phần phát triển du lịch văn hóa - tín ngưỡng…

Nét độc đáo trong văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những yếu tố thu hút khách du lịch đến với Quân Chu Farm.
Nét độc đáo trong văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những yếu tố thu hút khách du lịch đến với Quân Chu Farm.

Khai thác để phát triển xứng tầm 

Xác định nông nghiệp là thế mạnh, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Đại Từ tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, an toàn, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực. Từ đó hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với các sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh cao. 

Năm 2022, tổng sản lượng lương thực có hạt của huyện đạt trên 72.000 tấn, bằng 102,2% kế hoạch; sản lượng chè búp tươi đạt 78.000 tấn, vượt 2,34% kế hoạch và tăng 5,52% so với năm trước; sản lượng thịt hơi đạt 22.300 tấn, vượt gần 20% kế hoạch năm...

Từ cuối năm 2021, huyện đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện với tổng kinh phí đầu tư dự kiến gần 300 tỷ đồng. Trong đó, huyện tập trung phát triển các sản phẩm du lịch theo từng giai đoạn (gồm du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với văn hóa trà, du lịch lịch sử, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng); tăng cường đào tạo nguồn nhân lực và quảng bá để thu hút du khách, hình thành các tour, tuyến du lịch…

Tháng 7-2022, huyện tiếp tục ban hành Đề án phát triển khu du lịch sinh thái La Bằng, Hoàng Nông giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, với tổng kinh phí thực hiện gần 270 tỷ đồng. Từ định hướng đầu tư phát triển du lịch tại hai xã có tiềm năng nổi bật, huyện dự kiến sẽ tiếp tục lan tỏa sang các xã khác có lợi thế trong tương lai.

Du khách trải nghiệm tại Vườn hoa sinh thái La Bằng.
Du khách trải nghiệm tại Vườn sinh thái La Bằng.

Để khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế, những năm qua, huyện đặc biệt quan tâm xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng các tuyến giao thông vào các khu di tích, điểm du lịch, như: Tuyến đường vào khu du lịch suối Kẹm, xã La Bằng; Di tích Núi Văn - Núi Võ, xã Văn Yên; Thiền viện Trúc lâm Tây Trúc, xã Quân Chu… Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đi lại, tham quan. 

Đồng chí Phạm Quang Anh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ, cho biết: Đẩy mạnh phát triển du lịch là một trong ba khâu đột phá của huyện theo mục tiêu đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025. Huyện đang nỗ lực để sớm đưa Đại Từ trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn du khách trong bản đồ du lịch của tỉnh. Qua đó từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đạt huyện nông thôn mới trong năm 2023 và cơ bản đạt tiêu chuẩn thị xã vào năm 2025…