Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó không chỉ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng mà còn tạo ra thương hiệu, giá trị mới cho nhiều loại nông sản.
Sản phẩm dầu lạc của HTX nông nghiệp Quang Hà, ở thị trấn Hương Sơn (Phú Bình), được đông đảo khách hàng trong và ngoài tỉnh đón nhận. |
Sau một thời gian nghiên cứu, năm 2022, Công ty CP Nông sản Thái Nguyên, trụ sở ở xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên) đã cho ra mắt dòng sản phẩm mới, được chế biến từ các nguyên liệu kết hợp với trà xanh, như: son môi trà xanh, xà bông trà xanh, bột ngâm chân trà xanh, rượu gạo trà xanh, bia trà xanh…
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Văn Cương, Giám đốc Công ty CP Nông sản Thái Nguyên, chia sẻ: Ngoài cung cấp ra thị trường các sản phẩm trà Tân Cương chính gốc, chúng tôi luôn trăn trở làm sao để phát huy được hết những công dụng của cây chè, tạo ra những sản phẩm riêng biệt. Chính vì vậy, Công tyi đã nghiên cứu, cho ra đời những sản phẩm trên. Hiện nay, các sản phẩm mới của Công ty đã có mặt trên thị trường và bắt đầu được khách hàng đón nhận với những phản hồi tích cực. Chúng tôi hy vọng, trong thời gian tới, cùng với việc thưởng thức chè đặc sản thì du khách khi đến với Tân Cương nói riêng và Thái Nguyên nói chung, còn có nhiều sản phẩm để lựa chọn làm quà tặng, quà biếu mang hương vị riêng của vùng "đệ nhất danh trà".
Khác với Công ty CP Nông sản Thái Nguyên, HTX nông nghiệp Quang Hà, ở thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) lại chọn đầu tư dây chuyền sản xuất dầu lạc, cung cấp ra thị trường những sản phẩm đặc trưng của quê hương.
Giám đốc HTX Dương Đình Quang cho biết: Các sản phẩm dầu lạc, dầu đậu nành, dầu mè đen Phát Lộc của HTX đã được công nhận sản phẩm OCOP, có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc và chứng nhận sở hữu trí tuệ. Mặc dù có giá bán khá cao - khoảng 120 nghìn đồng/lít nhưng dầu ăn của HTX vẫn được người tiêu dùng ưa tiên lựa chọn bởi nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không có chất làm màu, phụ gia.
Ngoài tiêu thụ trong tỉnh, sản phẩm của HTX nông nghiệp Quang Hà còn được bán ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước như: Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội, Bắc Giang, TP. Hồ Chí Minh… Để đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, hiện nay, HTX đang liên kết với 130 hộ nông dân ở các xã: Tân Hòa, Tân Thành, Tân Kim, Tân Khánh... của huyện Phú Bình để bao tiêu đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp (lạc, đậu tương...).
Phòng chế biến chè công nghệ cao của Công ty CP Nông sản Thái Nguyên, trụ sở ở xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên). |
Đối với HTX mỳ, bún khô Tiến Diện, ở xã Tràng Xá (Võ Nhai), ngoài sản phẩm mỳ, bún truyền thống, đơn vị cũng đã kết hợp với các nguyên liệu sẵn có của địa phương để làm bún bí đỏ, bún gấc, bún ngũ sắc, đem lại diện mạo và hương vị mới cho sản phẩm.
Anh Hoàng Tiến Diện, Giám đốc HTX, thông tin: Hiện nay, HTX đang cung cấp ra thị trường các sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Việc đa dạng hóa các sản phẩm đã giúp đơn vị nắm bắt cơ hội sản xuất - kinh doanh, tăng sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Có thể khẳng định, trong lĩnh vực nông nghiệp, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến sẽ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, các sản phẩm chế biến có thời gian bảo quản lâu nên giảm được tổn thất khi chưa thể tiêu thụ ngay. Và việc phát triển công nghệ chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch sẽ giúp nông sản có thể “đi đường dài”,tạo tiền đề để nông sản Thái Nguyên vươn ra thị trường nước ngoài.
Thực tế, trên địa bàn tỉnh hiện nay, nhiều hộ nông dân sản xuất chè đã đầu tư máy đóng gói, máy hút chân không, kho lạnh để bảo quản chè, giữ được hương vị thơm ngon khi đến tay người tiêu dùng. Ngoài ra, nhiều hộ cũng đã sử dụng mã QR để giúp khách hàng dễ dàng tra cứu các thông tin về sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng…
Tìm hiểu chúng tôi được biết, trung bình mỗi năm, toàn tỉnh gieo trồng gần 60.000ha lúa, 14.000ha rau, 10.000ha ngô và hàng chục nghìn ha các loại cây công nghiệp khác. Thời gian qua, nhiều giải pháp đã và đang được tỉnh Thái Nguyên triển khai nhằm trợ lực cho các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất đầu tư máy móc, ứng dụng khoa học công nghệ trong sơ chế, chế biến nông sản.
Đơn cử như trong Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh xác định ưu tiên chế biến tinh, chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm có giá trị gia tăng cao, nhất là đối với sản phẩm chè và thịt; ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong giết mổ, chế biến đa dạng hóa sản phẩm thịt lợn, thịt gà để nâng cao giá trị gia tăng gắn với chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn.
Ngoài ra, Thái Nguyên cũng đã có một số cơ chế, chính sách nhằm phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế biến, bảo quản sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng, gắn với thị trường tiêu thụ. Đối với sản phẩm chè, tỉnh khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển chế biến sâu, chế biến ứng dụng công nghệ cao tạo ra đa dạng hóa sản phẩm có giá trị gia tăng cao như: chè túi lọc, chè mat-cha, nước uống từ chè, tinh chất chè, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, bánh kẹo từ chè… Cùng với đó, tỉnh tiếp tục hỗ trợ thiết bị máy móc, công nghệ cho các vùng sản xuất chè xanh chất lượng cao, mở rộng diện tích sản xuất chè theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin