Sôi nổi khí thế sản xuất, kinh doanh đầu năm

Hoàng Cường 09:00, 04/01/2023

Ngay từ những ngày đầu năm mới 2023, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã khẩn trương bắt tay vào hoạt động sản xuất, kinh doanh với khí thế sôi nổi. Năm nay, phần lớn các đơn vị đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng từ 5-10% so với năm trước, nỗ lực bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động.

Năm 2023, Công ty CP Phụ tùng máy số 1 (đứng chân trên địa bàn TP. Sông Công) phấn đấu doanh thu đạt 1.000 tỷ đồng, bảo đảm việc làm ổn định cho trên 1.130 lao động.

Trong những ngày làm việc đầu tiên của năm mới 2023, không khí sản xuất tại các DN may trên địa bàn tỉnh đã khá nhộn nhịp. Nhiều đơn vị đang gấp rút hoàn thiện các đơn hàng để kịp bàn giao cho đối tác theo đúng tiến độ hợp đồng.

Thông tin với chúng tôi về tình hình sản xuất, kinh doanh, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, cho biết: Năm 2023, Công ty phấn đấu doanh thu đạt 7.000 tỷ đồng (tăng 10% so với năm trước), lợi nhuận đạt 300 tỷ đồng. Để hoàn thành mục tiêu này, từ cuối năm 2022, Công ty đã tích cực tìm kiếm, mở rộng các đơn hàng may xuất khẩu sang nước Mỹ, Pháp, Đức, Hàn Quốc... Hiện, các nhà máy của Công ty đang phải "chạy" tối đa công suất để đáp ứng tiến độ giao hàng cho khách hàng trong quý I, quý II/2023.

Tương tự, tại Công ty CP may Thành Hưng, ông Nguyễn Viết Hạnh, Giám đốc Công ty, cho biết: Sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thị trường tiêu thụ may từng bước được phục hồi. Nhờ đó, Công ty đã ký được nhiều đơn hàng may xuất khẩu ngay từ đầu năm.  

Qua tìm hiểu tại nhiều DN, chúng tôi nhận thấy không khí sản xuất, kinh doạnh đầu năm tại những đơn vị hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất phụ tùng xe gắn máy, kinh doanh điện thương phẩm, nước sinh hoạt... cũng khá sôi nổi. Ngay ngày đầu năm, ở nhiều DN, công nhân phải tăng ca để đáp ứng nhu cầu sản xuất tăng cao.

Đơn cử như tại Công ty CP Phụ tùng máy số 1, ông Ngô Quang Bình, Phó Giám đốc Công ty, chia sẻ: Trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn nhưng năm vừa qua, Công ty đã nỗ lực ký kết được nhiều đơn hàng, bảo đảm việc làm cho trên 1.000 người lao động. Cụ thể, trong năm 2022, doanh thu của Công ty đạt trên 1.000 tỷ đồng (tăng 15% so với kế hoạch năm), thu nhập bình quân của người lao động đạt trên 13 triệu đồng/người/tháng. Mặc dù năm 2023, Công ty nhận định sẽ còn gặp nhiều khó khăn nhưng chúng tôi vẫn đề ra mục tiêu doanh thu tương đương so với năm 2022. Hiện nay, công nhân tại hầu hết bộ phận vẫn đang duy trì làm việc 2 ca/ngày, nghỉ Chủ nhật trong tuần. Riêng một số bộ phận do cần đáp ứng nhu cầu đơn hàng tăng cao (đúc gang) phải tăng thêm ca làm việc thứ 3.

Sản xuất gạch xây dựng không nung tại Công ty TNHH Bê tông xây dựng Việt Cường.

Đối với Công ty Điện lực Thái Nguyên, đơn vị hiện đang cấp điện cho 400.000 khách hàng. Bước sang năm 2023, Công ty phấn đấu tăng thêm 10.000 khách hàng; sản lượng điện thương phẩm đạt gần 5,8 tỷ kWh, tương ứng doanh thu 9.850 tỷ đồng.

Để hoàn thành tốt mục tiêu trên, Công ty đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm cấp điện ổn định, an toàn phục vụ khách hàng (như tăng cường kiểm tra, xử lý những khiếm khuyết trên hệ thống đường dây; bố trí người trực xử lý sự cố, sửa chữa điện 24/24 giờ trong suốt những ngày nghỉ lễ, Tết...); đẩy mạnh số hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ khách hàng; phát triển thêm dịch vụ tư vấn, thi công lắp đặt, kiểm tra chất lượng, nghiệm thu đóng điện, sửa chữa, bảo dưỡng thuê bao quản lý vận hành cho khách hàng nhằm nâng cao chất lượng điện năng, giúp giảm nhiều thời gian mất điện của khách hàng...

Trước đó, trong năm 2022, các DN trên địa bàn tỉnh đã từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh sau ảnh hưởng của dịch COVID-19 và đạt được những kết quả tích cực. Kết thúc năm, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh đạt 920 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi nhờ tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát, các DN cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, từ thị trường trong nước và thế giới (tình trạng thiếu hụt xăng dầu; giá nguyên nhân vật liệu xây dựng tăng cao; chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia châu Âu, Mỹ cũng như toàn cầu..).

Điều này khiến nhu cầu tiêu dùng và đầu tư giảm mạnh, các đơn hàng của nhiều DN bị sụt giảm đáng kể. Ảnh hưởng nặng nề nhất là các DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sắt thép, xi măng; linh, phụ kiện điện tử... Trước khó khăn này, nhiều DN phải thích ứng bằng việc đầu tư mở rộng sang nhiều ngành nghề, duy trì sản xuất cầm chừng...

Ông Đoàn Văn Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Bê tông xây dựng Việt Cường, nói: Thời gian vừa qua, thị trường xây dựng gần như “đóng băng” do giá nguyên vật liệu biến động không ngừng. Để tháo gỡ khó khăn này, Công ty đã đầu tư mở rộng sang kinh doanh xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, phát triển các dự án khu đô thị. Trong năm 2023-2024, Công ty triển khai đầu tư một số dự án trên địa bàn huyện Phú Bình: Dự án Cụm công nghiệp Bảo Lý - Xuân Phương (diện tích 75ha), Dự án khu đô thị Phú Bình 1 (diện tích 11,21ha) và khu đô thị Phú Bình 2 (diện tích 11,12ha)...

Năm 2023, Thái Nguyên phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp tăng 9,5% so với năm 2022. Để hoàn thành mục tiêu này, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn. Bởi theo nhận định của các chuyên gia kinh tế và nhiều DN, thị trường sản xuất, kinh doanh sẽ vẫn gặp nhiều khó khăn do thị trường quốc tế có nhiều diễn biến không thuận lợi. Do đó, các chuyên gia cho rằng, DN cần chủ động trong việc tổ chức sản xuất, kinh doanh và nắm bắt các dự báo về thị trường. Đồng thời tham mưu kịp thời về các chính sách hỗ trợ vĩ mô của Nhà nước...