Năm 2023, theo dự toán ngân sách nhà nước được giao, tỉnh Thái Nguyên sẽ lần đầu tiên tự cân đối ngân sách địa phương, đồng thời điều tiết 4% đối với các khoản thu phân chia theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) về ngân sách Trung ương, trở thành địa phương thứ 16 toàn quốc có tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương. Đây được xem là dấu mốc quan trọng, cho thấy sự phát triển của tỉnh, song cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị.
Công chức Chi cục Hải quan Thái Nguyên tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về thủ tục hải quan cho doanh nghiệp. |
Bước tạo đà quan trọng
Trong những năm qua, đặc biệt là 2021 và 2022, mặc dù đối diện với nhiều yếu tố bất lợi trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) nói chung, thu ngân sách nói riêng, nhất là sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng với những giải pháp quyết liệt trong điều hành, cùng sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp (DN)…, tổng thu NSNN trên địa bàn vẫn đạt và vượt kế hoạch được giao.
Lần đầu tiên, Thái Nguyên chạm ngưỡng thu 18 nghìn tỷ đồng vào năm 2021. Tiếp nối kết quả này, năm 2022, tổng thu ngân sách của tỉnh đạt trên 19,1 nghìn tỷ đồng, bằng 106% dự toán HĐND tỉnh giao, vượt 31% dự toán Bộ Tài chính giao.
Trong đó, thu nội địa đạt 15.890 tỷ đồng, bằng 101% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 125,5% dự toán Bộ giao; thu xuất nhập khẩu đạt 3.098 tỷ đồng, bằng 132% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 163% dự toán Bộ giao.
Kết quả thu này không chỉ giúp tỉnh có thêm nguồn lực thực hiện các chính sách, chương trình, dự án đầu tư hạ tầng nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương, mà còn là bước tạo đà quan trọng để tỉnh tự cân đối ngân sách và có phần kết dư chuyển về ngân sách Trung ương từ năm 2023.
Khi các cấp, ngành cùng vào cuộc
Để đạt được những kết quả tích cực trong phát triển KT-XH nói chung, công tác thu ngân sách nói riêng, trước hết là có sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị. Cùng với đó là việc tỉnh giao dự toán phấn đấu và triển khai kịp thời các giải pháp ngay từ những ngày đầu năm đối với các cơ quan hải quan, thuế, tài chính trong việc tập trung rà soát toàn bộ nguồn thu trên từng địa bàn; thực hiện kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu…
Tháng 3/2022 là thời gian cao điểm của dịch COVID-19 nên Cục Thuế tỉnh đã tổ chức Chương trình hỗ trợ quyết toán thuế và giải đáp vướng mắc về chính sách giảm thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp theo hình thức trực tuyến. |
Theo bà Nguyễn Thị Thuận, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh: Có 3 điểm sáng trong công tác thu ngân sách mà Cục Thuế tỉnh đạt được trong năm. Đầu tiên là việc triển khai thực hiện và hướng dẫn chính sách thuế đối với người nộp thuế có nhiều đổi mới, sáng tạo và đi vào thực chất. Trong năm, Cục Thuế đã triển khai 2 hội nghị đối thoại với DN, trong đó có 1 hội nghị trực tuyến ngay khi có các chính sách mới, nhằm kịp thời hướng dẫn, giải đáp vướng mắc cho người nộp thuế.
Thứ 2 là việc hoàn thành triển khai hệ thống hóa đơn điện tử về trước kế hoạch 2 tháng và được Bộ Tài chính khen thưởng. Thứ 3 là sự đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành của Ban lãnh đạo Cục, với nhiều giải pháp chuyên sâu. Trong đó, công tác thanh tra, kiểm tra được đặc biệt chú trọng, với gần 300 tỷ đồng (cao gấp 3 lần so với năm 2021) đã được truy thu, xử phạt vào ngân sách nhà nước.
Giải pháp nào cho năm 2023?
Theo đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Việc tỉnh được Trung ương giao tự cân đối ngân sách địa phương, đồng thời điều tiết 4% đối với các khoản thu phân chia theo quy định của Luật NSNN về ngân sách Trung ương, trở thành địa phương thứ 16 toàn quốc có tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương vừa là niềm vui, tự hào nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề.
Trước nhiệm vụ này đã có nhiều giải pháp được tỉnh, cũng như các sở, ngành đề ra. Trong đó, việc cải cách hành chính, thu hút đầu tư, làm tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho các dự án đầu tư, các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh sẽ được các cấp, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm thực hiện, nhằm tạo đà cho KT-XH phát triển, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách.
Kiểm tra thực tế hàng hóa xuất khẩu tại Chi cục Hải quan Thái Nguyên. |
Các cơ quan trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thu, gồm: Thuế, Hải quan, sẽ đẩy mạnh theo dõi, kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế của các tổ chức, cá nhân theo quy định để phát hiện kịp thời các hành vi gian lận. Cùng với đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế; làm tốt công tác quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào NSNN…
Các sở, ban, ngành, địa phương cũng sẽ quan tâm chỉ đạo công tác quản lý tài sản công, đặc biệt là công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất; chuyển nhượng, cho thuê quyền khai thác tài sản công, xử lý tài sản công; đấu giá tài sản công và quyền sử dụng đất để đảm bảo thu ngân sách đầy đủ, kịp thời theo đúng chế độ quy định, tránh thất thoát, lãng phí tài sản công…
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh tại nhiều cuộc họp về nội dung này thường lưu ý: Bên cạnh việc quản lý chặt chẽ các nguồn thu thì mỗi cán bộ thuế không được quá cứng nhắc, mà cần có sự hài hòa. Đối với những DN gặp khó khăn, phải nắm bắt được căn cơ, nguồn gốc để giúp DN cùng tháo gỡ, “thu thuế phải thu được cả lòng dân”.
Năm 2023, tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh được HĐND tỉnh giao 20.000 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa 16.910 tỷ đồng (loại trừ thu tiền sử dụng đất, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết đạt 12.097 tỷ đồng); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 3.090 tỷ đồng. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin