Thực hiện Đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, huyện Đại Từ phấn đấu đến năm 2025 có 780ha cây ăn quả chủ lực, với giá trị đạt hơn 142 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, địa phương khuyến khích người dân lựa chọn các loại cây ăn quả phù hợp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo các vùng sản xuất tập trung...
Cán bộ chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây nhãn cho người dân ở thị trấn Quân Chu (Đại Từ). |
Bưởi hiện là một trong hai loại cây ăn quả chủ lực của huyện Đại Từ, với tổng diện tích gần 400ha, trải dài ở nhiều xã, thị trấn như: Tiên Hội, Hoàng Nông, Bản Ngoại, Quân Chu… Năm 2022, sản lượng bưởi của huyện đạt 4.800 tấn, với giá trị sản xuất đạt khoảng 79 tỷ đồng, vượt 12% so với kế hoạch.
Để nâng cao chất lượng, giá trị loại cây ăn quả này, những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Đại Từ đã tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình trồng, chăm sóc, canh tác an toàn. Đến nay, hơn 90ha bưởi tại Đại Từ đã được cấp chứng nhận VietGAP.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Chí Cường, ở xóm Đoàn Kết, xã Hoàng Nông, cho hay: Gia đình tôi trồng bưởi từ đầu những năm 2000, với tổng diện tích gần 1ha, gồm các giống bưởi Diễn và bưởi Phúc Trạch. 100% diện tích được tôi canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2017. Nhờ đó, bưởi có vị ngọt đậm, đều quả và mã đẹp, luôn được khách hàng tin tưởng, lựa chọn.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, năm 2022, huyện Đại Từ đã triển khai lập quy hoạch chi tiết vùng sản xuất cây ăn quả tập trung với tổng diện tích gần 120ha tại xóm Đoàn Kết, xã Hoàng Nông; xóm Tiên Trường 1 và Tiên Trường 2, xã Tiên Hội. Qua đánh giá, các khu vực này có thổ nhưỡng phù hợp, người dân chú trọng đầu tư thâm canh nên đem lại doanh thu bình quân khoảng 300 triệu đồng/ha/năm.
Còn tại thị trấn Quân Chu, so với 4-5 năm trước, diện tích cây ăn quả tăng gần 30ha. Ông Trịnh Quân Công, Phó Chủ tịch UBND thị trấn, cho biết: Thị trấn Quân Chu nằm ở sườn Đông của dãy Tam Đảo với khí hậu quanh năm mát mẻ, đất đai màu mỡ nên có điều kiện thuận lợi trong trồng cây ăn quả. Phát huy lợi thế này, nhiều hộ dân đã đầu tư phát triển diện tích trồng cây ăn quả cho thu nhập ổn định, bình quân mỗi năm đạt từ 150-200 triệu đồng/ha.
Với tư duy hình thành vùng sản xuất chuyên canh và tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định, thời gian qua, nhiều hộ dân ở Đại Từ còn chủ động liên kết, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng cây ăn quả, như: Hợp tác xã Tiên Trường 3; Hợp tác xã cây ăn quả Hoàng Nông; Tổ hợp tác sản xuất chuối tiêu hồng Quân Chu…
Để khuyến khích người dân phát triển các mô hình trồng cây ăn quả tập trung, huyện Đại Từ cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ bà con ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Trung bình mỗi năm, huyện tổ chức khoảng 10 lớp tập huấn về phát triển nông nghiệp, trong đó lồng ghép nội dung tập huấn về kỹ thuật trồng cây ăn quả, giới thiệu các giống cây mới. Bên cạnh đó, thực hiện lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ kinh phí cấp chứng nhận VietGAP lần đầu cho các hộ dân; hỗ trợ hệ thống tưới tiết kiệm, tem truy xuất nguồn gốc…
Trao đổi với chúng tôi, ông Triệu Hồ Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ, thông tin: Khoảng 10 năm trở lại đây, cây ăn quả trở thành nguồn thu chính của nhiều hộ dân trên địa bàn huyện. Theo đó, giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng cây ăn quả mỗi năm đều tăng, đạt hàng trăm triệu đồng. Cụ thể, cây bưởi ước đạt 235 triệu đồng/ha/năm; cây nhãn ước đạt 205 triệu đồng/ha/năm… Tính đến hết năm 2022, tổng diện tích cây ăn quả của toàn huyện đạt trên 2.000ha. Trong đó, diện tích cây ăn quả chủ lực đạt gần 570ha, diện tích cây ăn quả VietGAP đạt gần 140ha (tăng 50ha so với năm 2021)... Thời gian tới, huyện tiếp tục duy trì định hướng phát triển các vùng trồng cây ăn quả tập trung và mở rộng diện tích sản xuất VietGAP.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin