Bàn giải pháp đẩy nhanh việc giải ngân nguồn vốn theo Nghị quyết số 11

Hạ Liên 19:16, 15/02/2023

Chiều 15-2, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố để triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (gọi tắt là Nghị quyết số 11). Tham dự tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Đặng Xuân Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên.

Năm 2022, NHCSXH Việt Nam đã giao kế hoạch cho vay các chương trình chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11 là 18.704 tỷ đồng và giao 1.600 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ lãi suất 2%/năm đối với các khoản vay có lãi suất trên 6%/năm; phát hành được 17.900 tỷ đồng trái phiếu, đạt 87,7% kế hoạch (trong đó đã tạo nguồn vốn triển khai các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11 là 16.500 tỷ đồng, đạt 86,8% kế hoạch). 

Kết quả, đã thực hiện giải ngân các chương trình theo Nghị quyết số 11 đạt 16.024 tỷ đồng; giải ngân 93.000 tỷ đồng vốn vay các chương trình tín dụng chính sách được hỗ trợ lãi suất, với trên 2,2 triệu khách hàng; thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm được 878 tỷ đồng…

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, như: Việc tổng hợp nhu cầu về vốn của một số chương trình theo Nghị quyết của các địa phương cao hơn nhiều so với nhu cầu thực tế khi triển khai cũng như kế hoạch được giao. Tiến độ rà soát, lập và phê duyệt danh sách đối tượng được thụ hưởng chính sách tại một số địa phương còn chậm, có nơi lại chưa bảo đảm yếu tố pháp lý để cho vay…

Đối với Thái Nguyên, tính đến cuối năm 2022, doanh số cho vay của NHCSXH tỉnh theo Nghị quyết số 11 đạt trên 212 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch vốn được giao).

Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 đạt hiệu quả cao hơn trong năm 2023, đại diện nhiều địa phương và một số bộ, ngành Trung ương đề nghị: Tăng dư nợ đối với các chính sách cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11 (tối đa là 22.376 tỷ đồng); cho phép NHCSXH điều chỉnh nguồn vốn cho vay đối với các chương trình có nhu cầu vốn thấp sang cho vay hỗ trợ tạo việc làm có nhu cầu vốn cao (bảo đảm tổng dư nợ các chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11 đến cuối năm 2023 đạt tối đa là 38.400 tỷ đồng); phê duyệt hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu NHCSXH được Chính phủ bảo lãnh năm 2023 là 24.351 tỷ đồng…

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo NHCSXH Việt Nam đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện tốt việc rà soát nhu cầu về nguồn vốn để các bộ, ngành chức năng và NHCSXH cân đối nguồn lực, bố trí vốn bảo đảm phù hợp. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về Nghị quyết số 11 để người dân nắm bắt, thực hiện; công khai danh sách các đối tượng được hỗ trợ nhằm giúp cho việc thực hiện chính sách bảo đảm minh bạch, công bằng…