Mã số vùng trồng: "Tấm vé" giúp nông sản Thái Nguyên vươn xa

Lương Hạnh 08:42, 24/03/2023

Hiện nay, người tiêu dùng trong nước ngày càng quan tâm đến nguồn gốc, chất lượng các mặt hàng nông sản được bày bán trên thị trường. Nắm bắt xu thế này, ngành Nông nghiệp đã tích cực hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) xây dựng mã số vùng trồng, qua đó nhằm tăng sức cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh. Khi được cấp mã số vùng trồng, các sản phẩm sẽ đáp ứng yêu cầu về chất lượng, độ an toàn, giúp người sản xuất thuận lợi hơn trong khâu tiêu thụ.

HTX Trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên) luôn tuân thủ tốt các quy định về an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến chè.
HTX trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên, ở xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên) luôn tuân thủ tốt các quy định về an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến chè.

Thái Nguyên là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích cũng như sản lượng chè (với hơn 22.200ha chè, sản lượng chè búp tươi đạt trên 260 nghìn tấn/năm). Đối với cây lương thực có hạt, diện tích gieo trồng cả năm khoảng 83.500ha, sản lượng lương thực có hạt đạt 457.280 tấn/năm; còn diện tích gieo trồng rau là hơn 15.200ha, sản lượng đạt 282.500 tấn/năm. Thái Nguyên cũng là địa bàn đóng chân của nhiều nhà máy, doanh nghiệp, trường học, lại giáp với Thủ đô Hà Nội, do vậy các mặt hàng nông sản của tỉnh có nhiều tiềm năng trong việc tiêu thụ.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh chưa thể tiếp cận được với các bếp ăn tập thể, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn. Nguyên nhân là do một số sản phẩm chưa đảm bảo về chất lượng, an toàn thực phẩm, không truy xuất được nguồn gốc.

Do đó, để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, vấn đề an toàn thực phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc đang được các cấp, ngành chức năng của tỉnh dành nhiều sự quan tâm. Theo đó, từ năm 2022 đến nay, ngành Nông nghiệp đã tích cực hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp, HTX xây dựng mã số vùng trồng để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của nhiều thị trường khác nhau.

HTX trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên, ở xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên) là một trong những đơn vị đi đầu trong xây dựng mã số vùng trồng. Ông Bùi Trọng Đại, Giám đốc HTX, phấn khởi cho biết: Tham gia xây dựng mã số vùng trồng từ năm 2022, chúng tôi đã thay đổi tư duy sản xuất, thay thế thuốc trừ sâu hóa học bằng thuốc sinh học, sử dụng phân hữu cơ thay thế phân vô cơ. Ngoài ra, các công đoạn đốn tỉa, chăm sóc, bón phân, phun thuốc, thu hái... chè cũng được bà con ghi lại đầy đủ, rõ ràng trong sổ nhật ký nông hộ. Hiện, HTX có 2ha chè được cấp chứng nhận mã số vùng trồng, đây là điều kiện để sản phẩm của chúng tôi có thể xuất khẩu chính ngạch ra nước ngoài.

Na La Hiên là một trong những sản phẩm được cấp mã số vùng 
trồng năm 2022. Trong ảnh: Bà con xã La Hiên (Võ Nhai) chăm 
sóc cây na
Năm 2022, na La Hiên (Võ Nhai) là một trong những sản phẩm được cấp mã số vùng trồng.

Tương tự, HTX dịch vụ nông nghiệp Nam Hòa, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) cũng được cấp giấy chứng nhận mã số vùng trồng năm 2022, đối với sản phẩm bưởi Na Chanh. Trong quá trình sản xuất, HTX luôn tuân thủ nghiêm ngặt những hướng dẫn, quy định của cơ quan chuyên môn. Các thành viên HTX đã thay thế thuốc trừ sâu hóa học bằng thuốc sinh học và tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ.

Ông Miêu Văn Long, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Nam Hòa, chia sẻ: Tham gia xây dựng mã số vùng trồng, bà con được hướng dẫn cách chăm sóc, bón phân và dùng bẫy phòng trừ vi sinh vật gây hại. Do vậy, vườn bưởi của HTX xã đạt năng suất, hiệu quả theo tiêu chuẩn, mẫu mã đẹp, giá bán vì thế cũng cao hơn từ 20-50% so với sản phẩm đại trà trên thị trường. Việc được cấp mã số vùng trồng chính là “tấm vé” để chứng minh sản phẩm của chúng tôi được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, tạo niềm tin với người tiêu dùng.

Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng hoặc một cơ sở đóng gói, nhằm theo dõi tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm và phục vụ truy xuất nguồn gốc các sản phẩm cây trồng. 

Mặc dù mới bắt đầu triển khai từ năm 2022 nhưng đến nay, Thái Nguyên đã có 36 vùng được gắn mã số vùng trồng, với tổng diện tích gần 287ha, gồm các loại cây trồng như: Chè, lúa, bưởi, măng… Quá trình xây dựng mã số vùng trồng cũng mang lại nhiều ích lợi thiết thực cho người nông dân, như: giúp bà con chuẩn hóa quá trình chăm sóc và quản lý cây trồng; cảnh báo tình hình dịch bệnh, danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng...

Ngoài ra, việc cấp mã số vùng trồng còn góp phần nâng cao giá trị nông sản, thay đổi tư duy, cách thức quản lý mới, thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. 

Theo đại diện Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT), việc xây dựng mã số vùng trồng góp phần tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng, không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu. Mỗi mã số vùng trồng được cấp chỉ có hiệu lực trong vòng 1 năm. Do vậy, cơ quan chuyên môn sẽ tiến hành giám sát để đảm bảo vùng trồng đó vẫn đang được quản lý tốt. Đối với những cơ sở sản xuất không đảm bảo theo quy định sẽ bị thu hồi hoặc hủy mã số, tránh gây ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của các mặt hàng nông sản Thái Nguyên...