Những năm qua, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" được các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh thực hiện có hiệu quả, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Từ phong trào sôi nổi này đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con nông dân, nhất là ở khu vực miền núi.
Hội viên nông dân xã Cây Thị (Đồng Hỷ) phát triển mô hình trồng cây đu đủ đực lấy hoa làm dược liệu. |
Về xã vùng cao Lâu Thượng (Võ Nhai), hỏi thăm gia đình anh Nguyễn Trọng Tâm, xóm Là Dương, hầu như ai cũng biết. Bởi anh Tâm là một trong số ít hộ nuôi bò vỗ béo với số lượng lớn của xã. Vốn chỉ quen với nghề nấu rượu truyền thống của gia đình, nhưng với khát vọng làm giàu, năm 2020, anh quyết định vay 100 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để đầu tư trồng 2 mẫu cỏ voi và xây dựng chuồng trại chăn nuôi với quy mô 13 con bò nuôi vỗ béo.
Anh Tâm bộc bạch: Nhận thấy nhiều hộ dân trên địa bàn huyện chăn nuôi trâu, bò vỗ béo đem lại hiệu quả kinh tế cao nên tôi cũng mạnh dạn vay vốn để triển khai mô hình. Trong năm 2020 và 2021, bò được giá, tôi nuôi 13 con. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, tôi còn lãi 10 triệu đồng/con. Nhờ chăn nuôi bò nên cuộc sống của gia đình tôi đã khấm khá hơn, có điều kiện sắm sửa đầy đủ tiện nghi trong nhà.
Cũng như anh Tâm, cuối năm 2020, anh Lê Văn Dương, xóm Mỹ Hòa, xã Cây Thị (Đồng Hỷ), đã quyết định đầu tư xây dựng 2 chuồng trại với quy mô 500m2 để chăn nuôi gà, lợn thịt. Với giá cả ổn định, không để xảy ra dịch bệnh nên ngay năm đầu tiên, công việc chăn nuôi đã đem về cho anh Dương trên 200 triệu đồng. Mô hình chăn nuôi của gia đình anh cũng đang tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên và 3 lao động thời vụ, với mức lương 6-7 triệu đồng/người/tháng.
Từ năm 2022, anh Dương mở thêm 1 chuồng chăn nuôi gà, qua đó, nâng tổng quy mô đàn vật nuôi lên trên 21.000 con gà, lợn/lứa. Anh Dương chia sẻ: Trong quá trình chăn nuôi, tôi luôn nhận được sự quan tâm, động viên của các cấp Hội Nông dân và cấp ủy, chính quyền địa phương. Tôi được Hội Nông dân tạo điều kiện cho đi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham quan học hỏi các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, đặc biệt là được tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Lê Văn Dương còn tích cực giúp đỡ bà con nông dân xã Cây Thị (Đồng Hỷ) về kỹ thuật chăn nuôi bò vỗ béo. |
Theo thống kê, trong giai đoạn 2019-2022, trên địa bàn tỉnh có trên 388.000 lượt gia đình hội viên nông dân đăng ký danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Qua bình xét hằng năm, toàn tỉnh có gần 200.000 lượt hộ đạt danh hiệu này.
Để có được kết quả trên, các cấp Hội Nông dân có sự đổi mới về nội dung và hình thức vận động, tuyên truyền, giúp cán bộ, hội viên nông dân nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa của phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi". Đồng thời xem đây là một trong những phong trào lớn của Hội, nhằm góp phần nâng cao đời sống của hội viên; giúp nông dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật và các nguồn vốn vay.
Đơn cử như tại huyện Định Hóa, trong 3 năm (2020-2022), các cấp Hội đã tuyên truyền được 758 cuộc, với 56.818 lượt người tham gia; Hội Nông dân huyện nhận ủy thác từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh triển khai cho hội viên nông dân vay để thực hiện các dự án, với tổng số tiền 5,37 tỷ đồng và phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giúp nông dân vay vốn phát triển sản xuất, với tổng dư nợ đến nay đạt trên 160 tỷ đồng… Qua đó đã có 21.433 hộ trên địa bàn đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, tương đương 53,2% số hộ đăng ký thi đua.
Nhằm thực hiện có hiệu quả phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi", hằng năm, các cấp Hội tích cực triển khai hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế. Riêng năm 2022, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đã giải ngân cho 25 dự án, với tổng số tiền 15,52 tỷ đồng, cho 294 hộ vay vốn; nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp huyện giải ngân cho 13 dự án, với số tiền 4,115 tỷ đồng, cho 100 hộ vay vốn.
Các cấp Hội Nông dân còn tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT cho 12.631 hộ hội viên vay vốn; tổ chức 40 lớp dạy nghề, với 1.206 học viên tham gia; 1.028 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 55.759 lượt hội viên, nông dân. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm; hỗ trợ bà con nông dân giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Từ phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi" đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong hội viên nông dân về phát triển kinh tế gia đình. Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Hội sẽ tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua, chủ động phối hợp với các ngành, doanh nghiệp, nhà khoa học tổ chức các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ cho bà con nông dân…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin