Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa: Hướng đi hiệu quả

Lương Hạnh 08:49, 08/04/2023

Nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên có chủ trương chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao. Qua đó tạo động lực cho nhiều địa phương khai thác tiềm năng, lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu để đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân...

Gia đình anh Dương Văn Mạnh, xóm Thanh Đàm, xã Nhã Lộng (Phú Bình) có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm từ trồng rau và các loại hoa.
Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, gia đình anh Dương Văn Mạnh, ở xóm Thanh Đàm, xã Nhã Lộng (Phú Bình) có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm từ trồng rau và các loại hoa.

Với hơn 1 mẫu ruộng, trước đây, gia đình anh Dương Văn Mạnh, ở xóm Thanh Đàm, xã Nhã Lộng (Phú Bình) cấy 1 vụ lúa/năm, vụ còn lại anh trồng rau. Tuy nhiên, nhận thấy việc trồng rau và các loại hoa đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, gia đình anh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Anh Mạnh chia sẻ: Nếu chỉ trông chờ vào cây lúa thì bà con nông dân chúng tôi cũng chỉ đủ ăn, khó mà dư dả. Từ ngày chuyển sang trồng rau và các loại hoa, mùa nào thức nấy, gia đình tôi có thu nhập ổn định trên 300 triệu đồng/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Do vậy, chúng tôi cũng có điều kiện lo cho con cái ăn học và mua sắm các vật dụng phục vụ đời sống như ti vi, máy giặt, ô tô…

Không chỉ riêng gia đình anh Mạnh, thời gian qua, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, qua đó, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Đơn cử như tại xã Bản Ngoại (Đại Từ), thay vì cấy 2 vụ lúa/năm như trước đây, hiện, bà con chỉ cấy 1 vụ lúa, vụ còn lại người dân đã chuyển đổi sang trồng các loại cây hàng năm như: củ đậu, dưa chuột, khoai tây, rau các loại… cho thu nhập trung bình 15-20 triệu đồng/sào/vụ.

Hay tại xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên), tại những diện tích đất không chủ động được nguồn nước tưới trong vụ xuân, bà con đã chuyển sang trồng ổi, cho ra quả quanh năm. Hiện nay, diện tích ổi của toàn xã Linh Sơn là hơn 70ha. Với giá bán dao động từ 10 đến 30 nghìn đồng/kg, mỗi sào ổi, người dân nơi đây thu về trung bình 30-40 triệu đồng/năm.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, nhằm phát triển sản xuất bền vững, gia tăng giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả. Qua đó, khai thác những tiềm năng, lợi thế về đất đai, điều kiện tự nhiên, lao động ở các địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Chỉ tính riêng năm 2022, diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác là hơn 1.180ha. Trong đó, chuyển sang trồng cây hàng năm là 950ha; diện tích chuyển sang trồng cây lâu năm là 191ha; còn lại là diện tích chuyển sang trồng lúa kết hợp nuôi thuỷ sản.

Qua thực tế sản xuất cho thấy, các mô hình chuyển đổi sang trồng các loại cây khác đều mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2-5 lần so với trồng lúa. Nhờ đó, góp phần tăng giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt từ 95 triệu đồng/ha (năm 2018) lên 123,2 triệu đồng/ha (năm 2022). Ngoài ra, việc luân canh cây trồng trên đất lúa giúp hạn chế sự phát triển của dịch bệnh, tiết kiệm nguồn nước tưới (nhất là trong vụ xuân) ở một số địa phương vùng cao; đồng thời, tạo ra nguồn nông sản phong phú ngoài lúa gạo, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.  

Thực tế cho thấy, mặc dù mang lại hiệu quả rõ rệt, song việc chuyển đổi đất lúa trên địa bàn tỉnh cũng có một số vấn đề đặt ra. Hiện nay, ruộng đất của bà con chủ yếu manh mún, nhỏ lẻ, chưa có nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Thêm vào đó, việc xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm còn khó khăn; chưa có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.

Trước thực trạng trên, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thái Nguyên sẽ phối hợp với ngành chức năng và chính quyền các địa phương tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào liên kết sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Đồng thời, Ngành sẽ tham mưu cho UBND tỉnh cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, hợp tác liên kết trong phát triển nông nghiệp; triển khai các dự án đầu tư xây dựng hỗ trợ các mô hình sản xuất nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực từ đất đai để nâng cao giá trị nông sản và thu nhập cho người nông dân...

Song hành với đó, các địa phương sẽ rà soát quy hoạch để xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa phù hợp với điều kiện của từng vùng. Qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững, đa dạng hóa và nâng cao năng suất, chất lượng các loại nông sản, đáp ứng nhu cầu thị trường.