Phát triển các hợp tác xã rau an toàn

Thanh Phong 08:11, 07/04/2023

Để tồn tại, phát triển trong nền kinh tế thị trường với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, mô hình “sản xuất sạch”, thân thiện với môi trường đang là hướng đi và mục tiêu bền vững của nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là các HTX sản xuất rau củ quả an toàn.

thành viên HTX Sản xuất Nông sản an toàn ATK Định Hóa thu hoạch dưa hấu
Thành viên HTX sản xuất nông sản an toàn ATK Định Hóa thu hoạch dưa hấu.

Là đơn vị có gần 7 năm kinh nghiệm sản xuất rau an toàn, kể từ khi thành lập đến nay, HTX rau an toàn Hùng Sơn (thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ) đã phát triển vùng chuyên canh rau theo quy trình VietGAP lên hơn 30ha.

Chị Đoàn Thị Thúy, Phó Giám đốc HTX, cho biết: Chúng tôi hiện có 10 hộ thành viên và gần 90 hộ dân liên kết tham gia sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP. Những năm qua, HTX đã vận động các hộ dân đầu tư xây dựng 1,2ha nhà lưới, mua sắm 76 máy xới đất, 2 máy gieo hạt, khoan giếng, lắp đặt máy bơm nước, đảm bảo các điều kiện sản xuất rau an toàn. Cùng với đó, HTX cũng thường xuyên hỗ trợ thành viên tham gia các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng sản xuất rau an toàn do ngành chức năng của tỉnh, huyện tổ chức…

Nhờ đó, HTX rau an toàn Hùng Sơn hoạt động ổn định, hiệu quả. Trung bình mỗi tháng, HTX xuất bán hơn 30 tấn rau, với khách hàng lớn là 3 bếp ăn trường học của huyện Đại Từ, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoàng Dương (Phú Lương) và một số cửa hàng bán rau sạch tại TP. Thái Nguyên.

Bà Đinh Thị Yêu, 65 tuổi, thành viên HTX rau an toàn Hùng Sơn, chia sẻ: Trồng rau theo quy trình VietGAP là không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu độc hại, không sử dụng chất biến đổi gen, chất kích thích tăng trưởng hay thuốc diệt cỏ… Sau một thời gian dài áp dụng, giờ tôi đã quen thuộc với cách sản xuất này. Tuy làm cỏ, bắt sâu thủ công có vất vả hơn trước nhưng lại an toàn cho sức khỏe của tôi và người tiêu dùng. Với 1 sào rau trồng trong nhà lưới, trung bình mỗi lứa, tôi thu về 4-5 triệu đồng, cao hơn nhiều lần so với cây lúa.

Cũng theo định hướng sản xuất an toàn và hoạt động hiệu quả, HTX sản xuất nông sản an toàn ATK Định Hóa, xã Phượng Tiến (Định Hóa) đã và đang tạo việc làm ổn định cho 13 hộ thành viên và 20 lao động, với thu nhập 4,5-5 triệu đồng/người/tháng.

Anh Hoàng Đình Lập, Giám đốc HTX, thông tin: Nhận thấy xu hướng của người tiêu dùng là ưa chuộng sản phẩm sạch, an toàn, tôi đã vận động các hộ dân tại địa phương thành lập HTX sản xuất nông sản an toàn ATK Định Hóa vào năm 2018. Từ 1ha ban đầu, đến nay, HTX đã mở rộng diện tích trồng rau, củ, quả theo quy trình VietGAP lên 3ha, trong đó có 3.000m2 trồng trong nhà lưới. Sản phẩm chủ yếu của HTX là dưa lưới, dưa lê, dưa chuột, cà chua, đậu Hà Lan…, phân phối chủ yếu cho 4 cửa hàng bán nông sản của TP. Thái Nguyên và 16 cộng tác viên bán hàng tại Hà Nội và các tỉnh Cao Bằng, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định.

Trên đây chỉ là 2 trong số gần 30 HTX trong tỉnh đang hoạt động chuyên về trồng, sản xuất rau, củ, quả an toàn. Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, các HTX này đóng vai trò là “cầu nối” tiếp thu, hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật, bảo vệ thực vật đối với cây trồng, góp phần đưa nông sản địa phương phát triển theo hướng bền vững.

Đồng thời, những HTX này cũng là “đầu mối” giúp các cơ quan chức năng có thể kiểm soát và giám sát chất lượng nông sản cung cấp ra ngoài thị trường. Sự tham gia tích cực của các HTX đã góp phần đưa diện tích cây ăn quả toàn tỉnh được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP lên 380ha; diện tích rau được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP là 110ha; sản lượng rau được sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm đạt gần 4.500 tấn/năm...

Để các HTX nông nghiệp nói chung, HTX sản xuất rau củ quả an toàn nói riêng phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới, theo ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh: Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương tăng cường hỗ trợ cho các HTX, nhất là về nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Cùng với đó là hỗ trợ tạo chuỗi liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm bền vững, ổn định...