Với lợi thế đất đai sẵn có, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp. Qua đó mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương.
Mô hình chăm nuôi dê của gia đình anh Nguyễn Đình Chính ở xóm Na Mẩy, xã Yên Trạch (Phú Lương). |
Theo chân cán bộ Hội Nông dân xã Yên Trạch (Phú Lương), chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế của gia đình anh Nguyễn Đình Chính, ở xóm Na Mẩy. Từ một hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, anh Chính đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp. Từ mô hình này, mỗi năm anh Chính thu về 200-250 triệu đồng.
Anh Chính chia sẻ: Gia đình tôi có trên 4.000m2 đất vườn đồi, nhưng nếu chỉ dựa vào trồng cây keo thì khó đem lại nguồn thu nhập cao. Vì vậy, cách đây hơn 5 năm, tôi đã quyết định đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi tổng hợp gồm lợn, bò, dê. Do nguồn vốn hạn hẹp, lại chưa có nhiều kinh nghiệm nên tôi vừa chăn nuôi vừa nhân đàn. Đến nay, gia đình tôi có 40 con dê, 4 bò sinh sản và 20 con lợn thịt. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục chuyển đổi khoảng 3.000m2 đất trồng keo sang trồng cây quế.
Còn với mô hình trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi, mỗi năm, ông Lê Quang Minh, xóm Thượng Vụ 2, xã Thành Công (TP. Phổ Yên), thu trên 500 triệu đồng. Sau nhiều năm làm nghề thu mua sắt vụn, có chút vốn liếng trong tay, ông Minh quyết định về quê phát triển kinh tế. Nhận thấy 2,5ha đất đồi của gia đình chỉ trồng cây keo và một số loại cây lấy gỗ khác, hiệu quả kinh tế đem lại không cao, ông Minh đã cải tạo để trồng cây ăn quả, đào ao nuôi ốc nhồi và xây dựng trang trại chăn nuôi lợn.
Qua 6 năm phát triển, đến nay, mô hình kinh tế của ông Minh đã có 600 gốc mít, 600 gốc bưởi Diễn, 200 gốc hồng xiêm, 3.000m2 ao nuôi ốc nhồi và 25 con lợn thịt. Chia sẻ với chúng tôi, ông Minh cho biết: Trong 2 năm qua, mô hình kinh tế này đã đem về cho gia đình tôi trên 500 triệu đồng/năm. Ngoài ra, tôi còn còn tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động tại địa phương với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng...
Mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi của gia đình ông Lê Quang Minh, ở xóm Thượng Vụ 2, xã Thành Công (TP. Phổ Yên), mang lại thu nhập trên 500 triệu đồng/năm. |
Không chỉ ông Minh, anh Chính mà hiện nay, tại khắp các địa phương trong tỉnh, không khó để gặp được những triệu phú, tỷ phú nông dân làm giàu từ đồng ruộng.
Theo thống kê của Hội Nông dân tỉnh, trong giai đoạn 2019-2022, trung bình mỗi năm toàn tỉnh có trên 97.000 hộ nông dân đăng ký danh hiệu sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp (chiếm 74% tổng số nông hộ). Trong số những hộ đạt danh hiệu sản xuất - kinh doanh giỏi, có trên 50% là sản xuất nông nghiệp, với các mô hình chủ yếu như: Trồng cây ăn quả, trồng chè, chăn nuôi gia súc, gia cầm...
Để có được kết quả trên, các hội viên nông dân đã năng động, sáng tạo trong khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương; mạnh dạn trong trong đầu tư phát triển sản xuất.
Cùng với đó là sự tiếp sức, hỗ trợ tích cực của các cấp hội nông dân trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, các cấp hội đã tuyên truyền, vận động hội viên mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các loại cây, con giống có năng suất, hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tại địa phương vào trồng, chăn nuôi; mở các lớp tập huấn, dạy nghề nhằm chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho nông dân; tổ chức cho nông dân tham quan, học tập kinh nghiệm tại nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp... Hội nông dân các cấp còn làm tốt vai trò cầu nối với các ngân hàng, nhằm tạo điều kiện để bà con tiếp cận nguồn vốn vay đầu tư phát triển, nhân rộng mô hình sản xuất, chăn nuôi...
Trong những năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với ngành chức năng hỗ trợ xây dựng các mô hình kinh tế tập thể; quảng bá, giới thiệu và kích cầu tiêu thụ nông sản cho các sản phẩm nông nghiệp của hội viên; hướng dẫn hội viên nông dân sử dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa; hướng dẫn hội viên tạo tài khoản để đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Đồng thời, Hội cũng quan tâm xây dựng và phát triển nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân để giúp đỡ các mô hình kinh tế trọng điểm của địa phương. Tính đến hết năm 2022, nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân toàn tỉnh là 51,499 tỷ đồng; xây dựng được 105 tổ hội, chi hội nghề nghiệp sản xuất trên các lĩnh vực: Trồng và chế biến chè; chăn nuôi gà thả vườn; chăn nuôi trâu, bò, lợn; trồng cây ăn quả...
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, khẳng định: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nhân rộng các mô hình kinh tế nông nghiệp đã và đang mang lại thu nhập cao cho người dân; vận động nông dân liên kết, hợp tác với nhau trong sản xuất - kinh doanh để tạo ra các vùng sản xuất, kinh doanh hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích các hộ sản xuất - kinh doanh giỏi phát triển theo hướng mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ; đẩy mạnh các dịch vụ hỗ trợ nông dân và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ hỗ trợ nông dân...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin