Những năm qua, huyện Phú Lương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển kinh tế tập thể, đặc biệt là các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, góp phần khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Từ những chính sách hỗ trợ tích cực của huyện, hoạt động của các HTX trên địa bàn đã và đang ngày càng phát huy hiệu quả.
Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Lương đã tích cực hỗ trợ các HTX nông nghiệp quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm. |
Huyện Phú Lương có nhiều lợi thế trong phát triển nông nghiệp, như: Quỹ đất lớn, nguồn nguyên liệu dồi dào, lực lượng lao động chịu khó tiếp cận với khoa học công nghệ. Tuy nhiên, khi phát triển kinh tế nông nghiệp theo hình thức cá thể và hộ gia đình, địa phương lại chưa thực sự phát huy được hết tiềm năng. Nguyên nhân là do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra có chất lượng không đồng đều, chưa xây dựng được thương hiệu nên nông sản chủ yếu chỉ được tiêu thụ tại các chợ phiên trên địa bàn.
Trước thực trạng đó, huyện Phú Lương đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ phát triển HTX. Đến nay, trên địa bàn huyện có 66 HTX với hàng trăm thành viên và hộ liên kết. Trong số 59 HTX nông nghiệp, chiếm số lượng nhiều nhất là lĩnh vực sản xuất chè, với 45 HTX. Các HTX này đã và đang phát huy hiệu quả hoạt động, góp phần tích cực nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Theo ông Tô Văn Khiêm, Giám đốc HTX chè an toàn Khe Cốc, xã Tức Tranh: Mặc dù nghề trồng chè tại Khe Cốc đã có từ gần 60 năm trước, nhưng trước đây các hộ chủ yếu trồng, chế biến theo hình thức “mạnh ai nấy làm”. Sản phẩm chế biến xong chỉ có thể đem ra chợ địa phương để tiêu thụ, nên giá trị kinh tế không cao, đời sống người làm chè gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, năm 2018, tôi đã bàn bạc với một số hộ trong xóm và quyết định thành lập HTX chè an toàn Khe Cốc. Hiện nay, HTX có hơn 20ha chè hữu cơ, toàn bộ là chè trung du được trồng trên đồi thấp. Mỗi năm, HTX sản xuất được hàng chục tấn chè búp khô với chất lượng cao và đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
HTX chè an toàn Khe Cốc, xã Tức Tranh (Phú Lương) chuyên trồng, chế biến chè hữu cơ và có sản phẩm đạt OCOP 4 sao. |
Còn anh Vũ Thành Thơm, Giám đốc HTX chè sạch Đạt Phát, xã Vô Tranh, chia sẻ: Trước đây, nghề làm chè rất vất vả nhưng không đem lại nhiều hiệu quả kinh tế. Vì vậy, người làm chè chủ yếu là người già, còn phần đông thanh niên phải tha hương để tìm kiếm những công việc khác. Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu thực tế tại nhiều vùng chè có tiếng trong và ngoài tỉnh, nơi người dân vẫn có thể làm giàu từ cây chè, năm 2020, chúng tôi đã thành lập HTX chè sạch Đạt Phát gồm 7 thành viên và liên kết với 30 hộ trong xóm trồng chè hữu cơ, VietGAP.
Hiện nay, tổng diện tích chè của HTX chè sạch Đạt Phát và các hộ liên kết là gần 20ha. Mỗi năm, HTX sản xuất được gần 40 tấn chè búp khô, xuất bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Anh Thơm chia sẻ thêm: Khi tham gia HTX, các thành viên cùng nhau thực hiện quy trình chăm sóc cây chè, cùng sản xuất các sản phẩm tương đồng về chất lượng. Vì vậy, chúng tôi có thể cung cấp ra thị trường với số lượng lớn, giá trị sản phẩm chè cũng được nâng lên từ 30-50% so với trước đây.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, các HTX nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp hiện chiếm 80% trong tổng số các HTX đang hoạt động trên địa bàn huyện Phú Lương, với các sản phẩm chủ yếu là chè, gạo nếp, mật ong, bánh chưng... Hiện nay, toàn huyện có 14/16 mặt hàng OCOP là sản phẩm của 9 HTX nông nghiệp, trong đó có 2 sản phẩm OCOP đạt 4 sao. Sản phẩm của một số HTX không chỉ tiêu thụ rộng rãi trong nước mà đã được xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Ông Ma Tiến Kốp, Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết: Thời gian qua, huyện đặc biệt quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX phát triển. Khi người dân tham gia HTX sẽ được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ, như: Tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ phân bón, thiết bị; đầu tư hạ tầng giao thông vào khu sản xuất tập trung; được vay vốn từ Liên minh HTX tỉnh; hỗ trợ bao tiêu sản phẩm; có tư cách pháp nhân… Ngoài ra, huyện cũng hỗ trợ các HTX trong việc quảng bá thương hiệu sản phẩm.
Từ thực tế cho thấy, việc tham gia các HTX của người dân đã và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần quan trọng khai thác hiệu quả hơn những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nâng cao thu nhập cho các hộ dân. Tuy nhiên, để các HTX hoạt động hiệu quả, bền vững hơn nữa thì cùng với việc được chính quyền hỗ trợ để nâng cao chất lượng và quảng bá sản phẩm, các HTX cần tiếp tục được hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu mạnh. Qua đó giúp cho hoạt động của các HTX nông nghiệp thực sự phát triển bền vững.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin