Bén rễ trên mảnh đất Ngoài Tranh (xã Tức Tranh, Phú Lương) thấm thoắt 90 năm, chè đã trở thành cây trồng chủ lực giúp hàng chục hộ dân trong xóm thoát nghèo và có kinh tế ổn định, khá giả. Năm 2022, UBND tỉnh công nhận Làng nghề chè xóm Ngoài Tranh - đây là cơ hội để người dân nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế từ cây chè.
Nhiều hộ dân Làng nghề đã đầu tư máy móc, thiết bị nhằm giảm sức lao động, tăng hiệu suất công việc. Trong ảnh: Gia đình chị Nguyễn Thị Tươi sử dụng máy sao chè bằng điện. |
Ông Trần Xuân Đức, Trưởng xóm kiêm Trưởng Làng nghề chè xóm Ngoài Tranh, nhẩm lại: Nghề trồng và chế biến chè ở xóm bắt đầu từ năm 1933. Khi đó, 4 hộ dân đã đưa chè từ trên rừng về trồng tại vườn nhà, để phục vụ nhu cầu của gia đình. Về sau, người dân ở các nơi khác đến định cư đã xin giống chè của người trong xóm về trồng. Từ năm 1973 trở đi, sau nhiều lần đem ra chợ bán, người dân nhận thấy giá trị kinh tế của cây chè cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác nên đã tích cực đưa vào sản xuất đại trà.
Những năm gần đây, cùng với sự quan tâm của Nhà nước qua các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, người dân Ngoài Tranh đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất lúa 1 vụ cho năng suất thấp sang trồng chè, chuyển đổi giống chè trung du cho hiệu quả kém sang giống chè cành cho giá trị kinh tế cao hơn.
Đến nay, tổng diện tích chè trong xóm là 56ha (diện tích đang cho thu hoạch là 51ha; chè trồng mới, trồng lại là 4,9ha, xóm chỉ còn một phần diện tích nhỏ trồng chè trung du). Cả xóm Ngoài Tranh có 123 hộ tham gia nghề trồng và chế biến chè (chiếm 81% tổng số hộ).
Ngoài ra, với việc hạ tầng giao thông được kiên cố hoá, đảm bảo giao thương thuận lợi, người dân xóm Ngoài Tranh đã tích cực tham gia các lớp tập huấn; học tập, trao đổi kinh nghiệm với các làng nghề chè lân cận... Từ đây, nhiều hộ dân đã mạnh dạn mua sắm máy móc áp dụng vào các khâu chăm sóc, chế biến, đóng gói, góp phần giảm sức người, tăng năng suất lao động.
Hiện, diện tích chè ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước do người dân trong xóm chủ động lắp đặt là 15ha; phần đa các hộ đều có máy vò chè, sao chè; một vài hộ đã đầu tư xưởng chế biến, thu mua chè tươi của các hộ khác về chế biến chè thành phẩm. Năm 2021, xóm Ngoài Tranh đã thành lập được tổ sản xuất chè theo quy trình VietGAP có diện tích 13ha, với 34 hộ tham gia và đã được cấp chứng nhận VietGAP. Hiện, xóm vẫn đang duy trì tốt hoạt động của tổ sản xuất này.
Anh Trần Văn Sỹ chia sẻ: Trồng và chăm sóc chè theo quy trình VietGAP ban đầu sẽ vất vả hơn, song đến nay, khi đất đã quen, thích ứng thì cây chè phát triển tốt, đảm bảo chất lượng. Thương lái đến tận vườn thu mua chè tươi và trả giá cao hơn loại chè sản xuất theo quy trình thông thường. Hiện 4.000m2 chè của gia đình tôi vẫn đang áp dụng sản xuất theo quy trình này. Trung bình mỗi lứa, tôi thu lãi 10-12 triệu đồng.
Không chỉ quan tâm khâu trồng, chăm sóc, thu hái, nhiều hộ dân cũng chú trọng chế biến và đầu tư bao bì, nhãn mác nhằm nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm chè. Đơn cử như các gia đình chị Nguyễn Thị Tươi, Lưu Thị In, Trần Thị Lệ…
Chị Trần Thị Lệ cho hay: Nhà tôi đã đầu tư trên 100 triệu đồng mua 7 máy vò và 2 máy tôn quay. Hằng ngày, tôi thu mua chè tươi của các hộ dân trong xóm về chế biến. Trung bình mỗi tháng, gia đình sản xuất 1,5-2 tấn chè khô. Sau khi trừ chi phí, tôi thu lãi 20 triệu đồng/tháng.
Có thể thấy, cây chè đã giúp người dân xóm Ngoài Tranh có thu nhập khá, tạo dựng cuộc sống ổn định. Năm 2020, xóm được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. 3 năm liền (2020-2022), Ngoài Tranh đạt danh hiệu xóm văn hóa và đang tiếp tục duy trì thực hiện tiêu chí xóm nông thôn mới kiểu mẫu trong giai đoạn 2021-2025.
Theo ông Lê Minh Thảo, Chủ tịch UBND xã Tức Tranh: Cùng với 15 làng nghề chè được công nhận trước đó, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tạo điều kiện để người dân Làng nghề chè xóm Ngoài Tranh tham gia các lớp tập huấn về sản xuất, chế biến chè; khuyến khích bà con thâm canh tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm chè. Cùng với đó là đẩy mạnh sản xuất chè theo quy trình VietGAP, hữu cơ, tiến tới đăng ký nhãn hiệu sản phẩm để xây dựng các sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho người dân.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin