Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp: Xóa hẳn tư duy sản xuất nhỏ

Lương Hạnh 12:21, 29/04/2023

Những năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng ngành Nông nghiệp Thái Nguyên vẫn luôn duy trì tốt đà tăng trưởng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh. Đây chính là minh chứng rõ nét từ việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Sản xuất, chế biến chè tại Hợp tác xã Trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên).
Sản xuất, chế biến chè tại Hợp tác xã trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên).

Hình thành vùng sản xuất tập trung

Xác định nông nghiệp có vai trò, vị trí quan trọng, là nền tảng, trụ đỡ để tạo đà phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ngày 21/10/2019, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TU về phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030.

Nhằm nâng cao giá trị sản xuất, HĐND, UBND tỉnh cũng ban hành các cơ chế, chính sách, đề án phát triển nông - lâm nghiệp, thủy sản, như: Đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; Đề án xây dựng nông thôn mới... Theo đó, lĩnh vực trồng trọt được cơ cấu lại theo hướng phát triển sản xuất tập trung, quy mô lớn trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm đặc trưng.

Với Thái Nguyên, chè được xác định là cây trồng thế mạnh. Vậy nên tỉnh đã có chính sách khuyến khích người dân thay thế chè trung du bằng giống chè cành cho năng suất cao hơn. Đồng thời, tỉnh cũng hỗ trợ bà con sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; hỗ trợ cơ giới hóa trong khâu chế biến chè; hỗ trợ ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước trong sản xuất.

Hiện nay, toàn tỉnh có 22,2 nghìn ha chè; trong đó chè giống mới chiếm tỷ lệ trên 82%; năng suất bình quân đạt 124,7 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 260 nghìn tấn/năm.

Thái Nguyên đã hình thành vùng sản xuất chè tập trung ở các địa phương: Tân Cương, Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên); Vô Tranh, Tức Tranh (Phú Lương), Minh Lập (Đồng Hỷ); Hoàng Nông (Đại Từ)...

Chỉ tính riêng năm 2022, giá trị sản phẩm chè sau chế biến (trà) của toàn tỉnh đạt trên 10,4 nghìn tỷ đồng.

Thay đổi tư duy sản xuất

Những kết quả bước đầu đã khẳng định tính đúng đắn của các chủ trương, chính sách và đề án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của Thái Nguyên, góp phần thúc đẩy ngành Nông nghiệp phát triển bền vững. Theo đó, người dân cũng đã thay đổi phương thức từ sản xuất nhỏ lẻ sang thâm canh quy mô lớn, hình thành các vùng sản xuất sản phẩm hàng hóa.

Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện các vùng sản xuất tập trung, như: Vùng trồng cây ăn quả tại các xã Tràng Xá, Lâu Thượng, La Hiên (Võ Nhai), Tiên Hội, thị trấn Quân Chu (Đại Từ), Phúc Thuận (TP. Phổ Yên); vùng trồng rau ở thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ), Đông Cao (TP. Phổ Yên), Huống Thượng (TP. Thái Nguyên)…

Ngoài ra, nhiều hợp tác xã, hộ sản xuất đã đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ; sử dụng nhà màng, nhà lưới, bố trí rải vụ trồng rau; gắn mã QR cho sản phẩm; ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm… Đặc biệt, bà con đã nâng cao kỹ thuật thâm canh, sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ và đẩy mạnh liên kết trong tiêu thụ các sản phẩm chủ lực (chè, na, bưởi…).

Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại tập trung, quy mô công nghiệp ở các vùng xa khu dân cư theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Đồng thời, từng bước giảm chăn nuôi theo quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình; phát triển chăn nuôi gắn với quản lý, xây dựng hệ thống cơ sở giết mổ, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật.

Hiện nay, chất lượng đàn vật nuôi cũng đã được nâng cao về chất lượng, tỷ lệ đàn lợn ngoại, lai đạt 75% tổng đàn.
Hiện nay, chất lượng đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh đã được nâng cao, tỷ lệ đàn lợn ngoại, lai đạt 75% trong tổng đàn.

Theo đó, đàn vật nuôi cũng đã được nâng cao về chất lượng. Đến nay, tỷ lệ đàn lợn ngoại, lai đạt 75% tổng đàn; đàn bò lai Zebu và các giống bò chất lượng cao đạt 65% trở lên; đàn gà lông màu có chất lượng đạt 85% tổng đàn.

Tại Thái Nguyên đã hình thành các vùng chăn nuôi gà thả vườn có thương hiệu tại các huyện Phú Bình, Đồng Hỷ, Định Hóa; vùng chăn nuôi lợn tại TP. Phổ Yên, huyện Phú Bình; vùng chăn nuôi bò tại Định Hóa, Phú Bình...

Thúc đẩy chuỗi liên kết

Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, với trọng tâm chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi gắn với xây dựng và mở rộng các chuỗi liên kết là nhiệm vụ luôn được tỉnh chú trọng.

Cùng với đó, các hộ sản xuất đã đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, áp dụng các quy trình VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 60 hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi; 10 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi; 750 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; 13 công ty liên doanh chăn nuôi gia công lợn, gà (với 326 trại gà, 90 trại lợn). Ngoài ra, toàn tỉnh có trên 20 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, gà an toàn tại các chợ, siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể.

Với những hướng đi, giải pháp hợp lý, ngành Nông nghiệp Thái Nguyên đã liên tục duy trì đà tăng trưởng.

Từ năm 2020 đến 2022, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản toàn tỉnh tăng bình quân 3,5%/năm. Giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp trồng trọt tăng từ 95 triệu đồng/ha/năm (2018) lên 123,2 triệu đồng/ha/năm (2022).

Đây chính là nền tảng quan trọng để Thái Nguyên tiếp tục triển khai chương trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trong giai đoạn tiếp theo, góp phần quan trọng nâng cao đời sống của người dân, tạo sự phát triển ổn định, bền vững, thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh.

Một số chỉ tiêu chủ yếu của ngành Nông nghiệp

 * Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2019-2025 tăng bình quân 3,5%/năm;

 * Giá trị sản phẩm thu được trên đất trồng trọt đến năm 2025 đạt 125 triệu đồng/ha, đến năm 2030 đạt 150 triệu đồng/ha;

 * Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2025 đạt 65 triệu đồng/người/năm, đến năm 2030 đạt 90 triệu đồng/người/năm.