Nhờ điều kiện thổ nhưỡng, nguồn nước, khí hậu thuận lợi nên Thái Nguyên hiện là một trong những tỉnh có diện tích, sản lượng chè lớn nhất cả nước. Cùng với sự phát triển đó, các địa phương trong tỉnh đã chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến chè theo hướng chuyên nghiệp từ mỗi khâu, mỗi giai đoạn nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế từ cây trồng này.
Người dân xã Hoàng Nông (Đại Từ) sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước cho những đồi chè. Ảnh: T.L |
Thái Nguyên hiện có 22,2 nghìn ha chè, trong đó tỷ lệ giống mới chiếm 82,7%. Xác định chè là cây trồng chủ lực, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách như: Hỗ trợ giống chè mới, phân bón hữu cơ, sinh học và chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; hỗ trợ ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước, thiết bị chế biến chè; hỗ trợ bao bì, nhãn mác, xây dựng thương hiệu, kết nối quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm…
Nhờ đó, giá bán chè của Thái Nguyên luôn ở mức cao hơn một số vùng chè khác trong cả nước. Cụ thể, đối với sản phẩm chè khô truyền thống có giá 200-400 nghìn đồng/kg, chè tôm nõn có giá 600-750 nghìn đồng/kg. Tại một số vùng chè đặc sản như: Tân Cương, La Bằng, Trại Cài, Tức Tranh... bà con đã sản xuất được các sản phẩm chè cao cấp như: trà đinh, trà đinh Vương Phẩm, Đinh Tâm trà, Đinh Đinh trà, Bạch trà, Hồng trà... có giá từ 1,5 triệu đồng đến trên 5 triệu đồng/kg.
Khảo sát tại một số vùng sản xuất chè trọng điểm trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy, hiện nay, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu thị trường để sản xuất đa dạng sản phẩm chè, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Một số cơ sở đã đầu tư chế biến sâu các sản phẩm từ chè, như: hồng trà, matcha bột trà xanh, trà lắc túi lọc, trà Kombucha, kẹo trà xanh, xà bông trà xanh, bia trà xanh...
Chế biến chè tại HTX Trà và Du lịch cộng đồng Tiến Yên, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên). |
Đơn cử như Công ty CP Nông sản Thái Nguyên, trụ sở tại ở xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên). Thời gian qua, đơn vị đã nghiên cứu, chế biến ra nhiều sản phẩm từ cây chè như: bột ngâm chân trà xanh, bia trà xanh, rượu trà xanh, son môi trà xanh…
Ông Đỗ Văn Cương, Giám đốc Công ty, chia sẻ: Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm trà xanh, chúng tôi cũng nghiên cứu, đầu tư sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cây chè để cung cấp cho thị trường những mặt hàng mang dấu ấn riêng biệt của Thái Nguyên. Hiện nay, các sản phẩm của Công ty đã được người tiêu dùng đón nhận và có phản hồi tích cực.
Hiện nay, các công đoạn chăm sóc, chế biến sản phẩm chè đã và đang được chuyên nghiệp hóa theo từng khâu, từng vùng sản xuất. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh đã sử dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc, sử dụng phần mềm quản lý bán hàng, giao dịch qua sàn thương mại điện tử... |
Đối với các địa phương như: Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ…, bà con nông dân lại chú trọng khâu chăm sóc, thu hái nhằm đảm bảo sản phẩm chè thu được đáp ứng đúng quy trình an toàn. Bà Hà Thị Viên, ở xóm Phố, xã Phú Thịnh (Đại Từ), nói: Nhà tôi có hơn 1 mẫu chè. Do không có điều kiện về nhân lực nên tôi chủ yếu thu hái rồi bán chè tươi cho các cơ sở chế biến sâu. Từ đó, chúng tôi giảm được thời gian và nhân công sao sấy, tập trung chăm sóc cho cây chè sinh trưởng, phát triển thuận lợi, đạt năng suất cao.
Theo ông Phạm Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên): Việc nhiều hợp tác xã, hộ sản xuất trên địa bàn xã thu mua chè của bà con trong tỉnh về chế biến, tiêu thụ là hoàn toàn phù hợp với xu thế. Bởi hiện nay, chè Thái Nguyên được ưa chuộng trong cả nước, trong khi vùng chè Tân Cương không thể mở rộng thêm diện tích do đã hết quỹ đất. Do vậy, để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng cũng như gìn giữ thương hiệu chè Tân Cương, những sản phẩm được trồng ở nơi khác sẽ được ghi rõ trên bao bì là chế biến tại Tân Cương. Tất nhiên, chè nguyên liệu được thu mua phải đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, an toàn theo quy định, bởi bà con Tân Cương luôn cần giữ "món nghề" và thương hiệu của mình.
Còn bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội chè tỉnh, cho biết: Thời gian qua, Hội đã tư vấn và kết nối với các nhà khoa học để hỗ trợ hội viên ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên. Ngoài ra, các hội viên cũng thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm chè trên nền tảng số, tích hợp giá trị để minh bạch thông tin sản phẩm, tạo thuận lợi cho cả người sản xuất và người tiêu dùng.
Cũng theo bà Ngà: Để cây chè đem lại lợi ích cao hơn nữa thì ngoài sử dụng là đồ uống, theo tôi việc đầu tư các phòng nghiên cứu chuyên sâu về hóa, dược, thực phẩm từ cây chè là cần thiết. Đơn cử như sử dụng tinh dầu, các chất kết tinh từ cây chè để làm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm...
Từ thực tế có thể thấy, việc đa dạng hóa các sản phẩm từ cây chè cũng như chuyên nghiệp hóa từng khâu sản xuất là xu thế tất yếu, không chỉ góp phần gia tăng giá trị kinh tế mà còn giúp ngành Chè Thái Nguyên phát triển bền vững, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Thái Nguyên hiện có 77 hợp tác xã chè, 38 doanh nghiệp, 230 làng nghề sản xuất, chế biến, kinh doanh chè. Giá trị kinh tế từ cây chè đạt gần 11.000 tỷ đồng/năm. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin