Là địa phương có lợi thế về nông nghiệp, những năm gần đây, huyện Phú Bình đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động của loại hình kinh tế tập thể (KTTT), đặc biệt là các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Qua đó góp phần nâng cao đời sống của bà con nông dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.
Phần lớn các sản phẩm chủ lực, tiêu biểu và đạt OCOP ở huyện Phú Bình là của các HTX nông nghiệp. |
Theo số liệu thống kê của cơ quan chuyên môn, trong hai năm 2021-2022, toàn huyện Phú Bình có 17 HTX thành lập mới, trong đó, chiếm 98% là HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đến nay, toàn huyện có 12 tổ hợp tác, 82 HTX (71,9% hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp), thu hút gần 1.000 thành viên, người lao động tham gia.
Ông Dương Minh Quyết, Phó phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Phú Bình, thông tin: Xác định vai trò và tầm quan trọng của KTTT trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng, chúng tôi đã phối hợp với các phòng, đơn vị chuyên môn thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các loại hình KTTT, trọng tâm là HTX nông nghiệp. Huyện đã huy động, vận dụng các nguồn lực hỗ trợ nhằm nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm của HTX; gắn phát triển HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới…
Qua đó, KTTT, HTX trên địa bàn huyện Phú Bình đã từng bước phát triển. Hoạt động của các HTX tuân thủ theo đúng Luật HTX năm 2012 và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Một số HTX đã chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa vào các loại giống mới, đầu tư cho sản xuất. Từ đó, duy trì hoạt động ổn định, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Tiêu biểu như: HTX Bình Minh (xã Nhã Lộng); HTX ngựa bạch xóm Phẩm (xã Dương Thành); HTX trồng và chế biến nông sản Đỗ Viện (xã Tân Khánh); HTX dịch vụ chăn nuôi Lương Phú; HTX nuôi hươu cựu chiến binh Trọng Hùng...
Ngoài ra, tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), toàn huyện Phú Bình có 7 HTX với 13 sản phẩm nông nghiệp được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao. Trong đó chủ yếu là đặc sản của huyện như gạo nếp Thầu Dầu, tương nếp, ngựa bạch, gà đồi…
Đơn cử như HTX nông nghiệp Quang Hà, ngay lần đầu tham gia Chương trình OCOP vào năm 2021, đơn vị này đã có 3 sản phẩm gồm: dầu lạc Phát Lộc, dầu đậu nành và dầu mè đen Phát Lộc được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Anh Dương Đình Quang, Giám đốc HTX nông nghiệp Quang Hà, chia sẻ: Sau khi đạt sao OCOP, ngành chức năng của huyện cũng tạo điều kiện đưa sản phẩm của HTX tham gia các chương trình triển lãm, hội chợ; trưng bày tại gian hàng sản phẩm chủ lực của huyện. Qua đó, chúng tôi có thêm cơ hội quảng bá, tiếp cận với khách hàng.
Hay với HTX dịch vụ nông nghiệp Ngọc Hiền (xã Tân Đức), dù mới thành lập trong năm 2022 nhưng đã có sản phẩm được công nhận đạt OCOP 3 sao ngay trong năm đó. Nói về kết quả này, chị Trần Thị Thúy Hiền, Giám đốc HTX, cho hay: Vụ xuân năm 2022, HTX được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Bình hỗ trợ triển khai mô hình cánh đồng lúa J02 theo tiêu chuẩn VietGAP, với diện tích 15ha. Đồng thời, chúng tôi cũng được ngành chức năng của tỉnh, huyện quan tâm, hướng dẫn xây dựng sản phẩm gạo J02 tham gia Chương trình OCOP; xây dựng trang wed đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Vụ mùa này, HTX đã liên kết với 80 hộ dân và mở rộng diện tích gieo cấy lên 250ha lúa J02.
Có thể thấy, với sự quan tâm tạo điều kiện phù hợp, đúng hướng, nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện đã có cơ hội phát triển, phát huy tiềm năng lợi thế sẵn có ở địa phương.
Để hỗ trợ phát triển KTTT, đặc biệt là kinh tế hợp tác trên cơ sở "bệ đỡ" nông nghiệp sẵn có, theo lãnh đạo UBND huyện Phú Bình: Địa phương sẽ tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho phát triển KTTT, vận động thành lập mới HTX; triển khai hiệu quả công tác tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ HTX; tạo điều kiện cho các HTX tham gia kết nối, quảng bá sản phẩm; hướng dẫn các HTX tiếp cận nguồn vốn vay, chính sách hỗ trợ của Nhà nước...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin