Với lợi thế về đất đai, khí hậu phù hợp cho phát triển cây ăn quả, thời gian qua, huyện Đồng Hỷ đã khuyến khích nhân dân mạnh dạn cải tạo đất đồi bãi kém hiệu quả sang trồng một số loại cây chủ lực, như na, nhãn, bưởi... Đồng thời, huyện tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu và vùng trồng cây ăn quả tập trung.
Gia đình ông Đỗ Phi Long, ở xóm Na Long, xã Hóa Trung (Đồng Hỷ) có hơn 8.000m2 trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP. |
Trên địa bàn huyện Đồng Hỷ hiện có hơn 1.700ha cây ăn quả, tập trung tại các địa phương: Quang Sơn, Tân Long, Hóa Trung, Hóa Thượng, Văn Hán, Khe Mo, Nam Hòa… Trong đó, cây ăn quả chủ lực (gồm na, nhãn, bưởi) chiếm 44% trong tổng diện tích.
Trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất, huyện Đồng Hỷ đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích cây ăn quả sản xuất tập trung trên địa bàn đạt 240ha; đến năm 2030 đạt 300ha; 70% vùng sản xuất tập trung xây dựng được thương hiệu sản phẩm.
Để thực hiện mục tiêu này, từ năm 2021 đến nay, Đồng Hỷ đã thực hiện nhiều giải pháp để mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, từng bước xây dựng thương hiệu cây ăn quả; có cơ chế, chính sách hỗ trợ về vật tư, phân bón, cây giống… để người dân phát triển vùng trồng cây ăn quả tập trung.
Tại xóm Na Long, xã Hoá Trung - một trong những xóm đi đầu trong chuyển đổi sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, năm 2020, hơn 80 hộ dân đã tham gia Tổ hợp tác sản xuất nhãn VietGAP Hoá Trung, với diện tích 20ha. Ông Đỗ Phi Long, thành viên Tổ hợp tác, chia sẻ: Người dân đã thay đổi tập quán sản xuất cũ, thay vào đó là sản xuất sạch, an toàn và áp dụng tiêu chuẩn VietGAP. Chính vì vậy, nông sản được thị trường tin dùng và giá trị sản phẩm cây ăn quả đã nâng lên.
Còn tại xã Tân Long, việc xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP cũng được chính quyền địa phương bắt tay vào triển khai, với kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội phát triển kinh tế mới cho bà con ở vùng khó này.
Tháng 8/2022, 14 hộ dân tại xóm Làng Mới, xã Tân Long, đã chung tay thành lập Tổ hợp tác sản xuất thanh long VietGAP, với diện tích 5ha. Diện tích hộ lớn nhất tương đương 1ha, các hộ còn lại trung bình có 0,3-0,5ha. Giống thanh long được trồng chủ yếu trên địa bàn là thanh long ruột đỏ, quả tròn to, vỏ mỏng và độ ngọt cao.
Bà Hoàng Thị Mỹ, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất thanh long VietGAP, cho biết: Người dân canh tác theo quy trình sản xuất an toàn, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón kích thích. Chính vì vậy, sản phẩm luôn đạt giá trị cao. Trung bình thời điểm chính vụ đạt từ 15.000 đồng/kg trở lên, có thời điểm đạt 35.000 đồng/kg.
Khác với các địa phương trên, với lợi thế đất bãi núi đá vôi, lại giáp với vùng na La Hiên (Võ Nhai), xã Quang Sơn hiện có trên 80ha diện tích cây ăn quả, trong đó 50ha trồng na.
Theo ông Khúc Kim Quảng, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Sơn: So sánh với cây trồng khác thì cây na cho thu nhập cao hơn 2-3 lần trên cùng một đơn vị diện tích. Còn so với cây lúa, ngô thì cao gấp 5 lần trên một đơn vị diện tích trong một năm.
Với những giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế ở mỗi địa phương, đến nay, toàn huyện Đồng Hỷ đã trồng mới 190ha na, nhãn, bưởi, đạt gần 80% kế hoạch đến năm 2025 và đạt 63,3% so với kế hoạch đến năm 2030. Đồng thời, cấp chứng nhận VietGAP, hữu cơ cho 96,2ha cây ăn quả tập trung, đạt 74,05% kế hoạch đến 2025.
Việc từng bước hình thành các vùng chuyên canh cây ăn quả chất lượng cao gắn với thị trường tiêu thụ ổn định đang khẳng định hiệu quả trong thực tiễn tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của Đồng Hỷ. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng cây ăn quả hiện đạt trên 200 triệu đồng/ha/năm. Một số vùng trồng cây ăn quả quy mô lớn của huyện đang phát triển theo hướng liên kết, với sự tham gia của các hợp tác xã, tổ hợp tác.
Với mục tiêu xây dựng các vùng trồng cây ăn quả phát triển bền vững, cho hiệu quả kinh tế cao, theo bà Nguyễn Thị Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Hỷ: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động người dân lựa chọn cây giống chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật... Huyện cũng tiếp tục chỉ đạo mở rộng các mô hình trồng cây ăn quả theo quy trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP, gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, Đồng Hỷ tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, bảo đảm tiêu chuẩn để áp dụng công nghệ cao trong tổ chức sản xuất quy mô lớn…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin