Những năm gần đây, được quan tâm hỗ trợ bằng nhiều hình thức (chính sách tín dụng, khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại…). các mô hình kinh tế tập thể (KTTT) trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đã dần đi vào hoạt động ổn định; góp phần nâng cao chất lượng nông sản, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Sản phẩm của HTX Chè Thu Hiền (xã Khe Mo) được công nhận 3 sao OCOP năm 2022. |
Cùng với công tác tuyên truyền về KTTT, thời gian qua, huyện Đồng Hỷ ưu tiên bố trí ngân sách và huy động nguồn vốn khác để triển khai các đề án, dự án hỗ trợ phát triển KTTT giai đoạn 2021-2025; định hướng, khuyến khích các hợp tác xã (HTX) quan tâm nâng cao chất lượng, xây dựng sản phẩm phù hợp với thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm tại các sàn thương mại điện tử, hội chợ, triển lãm…
Đơn cử như HTX Chè Thu Hiền (xóm Ao Rôm 1, xã Khe Mo). Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc HTX, chia sẻ: Trước đây, các thành viên của HTX thường chú trọng nhiều hơn đến năng suất, đa phần sản phẩm chè thô được đem bán tại các chợ. Khi được địa phương tuyên truyền, vận động, HTX đã mạnh dạn đăng ký tham gia OCOP. Chúng tôi không chỉ được ngành chức năng và địa phương hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu 5ha đạt tiêu chuẩn VietGAP; hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ, thiết kế bao bì, nhãn, tem mác trước khi tham gia OCOP, mà sau khi đạt sao, HTX cũng được tạo điều kiện tham gia các hội chợ, giới thiệu sản phẩm để tiếp cận thêm nhiều khách hàng mới.
Không riêng HTX Chè Thu Hiền, nhiều HTX, tổ hợp tác khác cũng được ngành chức năng của huyện tạo điều kiện, tư vấn, hỗ trợ. Trong 2 năm (2021-2022), huyện đã phối hợp với cơ quan chuyên môn của tỉnh thẩm định, giúp 6 HTX tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh với tổng số tiền 6,1 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số HTX đã huy động tài sản của các thành viên để vay thế chấp tại các ngân hàng số vốn hàng chục tỷ đồng. Huyện cũng phối hợp với Liên minh HTX tỉnh hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ 27 HTX thành lập mới là với tổng số tiền 300 triệu đồng.
Trong năm 2022, huyện đã hỗ trợ xây dựng website giới thiệu, bán sản phẩm, quảng bá sản phẩm trên không gian mạng cho 3 HTX (HTX Dịch vụ nông nghiệp Nam Hòa, HTX Nông sản Vạn Lộc, HTX Nếp hoa vàng Minh Lập); cấp 44.000 tem truy xuất nguồn gốc cho 3 sản phẩm của HTX Thái Minh và 1 sản phẩm của HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Long; thiết kế hộp, bao bì sản phẩm cho các HTX tham gia chu trình OCOP.
Với việc được tạo điều kiện, quan tâm phù hợp, kịp thời, lĩnh vực KTTT của huyện Đồng Hỷ đã có bước phát triển đáng kể cả về chất và lượng. Tính từ năm 2021 đến nay, toàn huyện có 31 HTX thành lập mới, nâng tổng số HTX hiện có trên địa bàn lên 91 HTX. Các HTX đã thu hút trên 1.300 thành viên, tạo việc làm thường xuyên cho người lao động với mức thu nhập 5,3 triệu đồng/người/tháng...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin