Sản phẩm OCOP: Nâng cao chất lượng, tăng tính cạnh tranh

Thanh Phong 08:17, 08/06/2023

Cùng với đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua việc tham gia Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP). Đây cũng được coi là động lực để các HTX nông nghiệp phát triển.

Năm 2022, HTX dịch vụ nông nghiệp Hồng Kỳ (Phú Bình) có 3 sản phẩm được công nhận đạt OCOP 3 sao.
Năm 2022, HTX dịch vụ nông nghiệp Hồng Kỳ, xã Úc Kỳ (Phú Bình) có 3 sản phẩm được công nhận đạt OCOP 3 sao.

Lần đầu tiên tham gia Chương trình OCOP vào năm 2022, HTX dịch vụ nông nghiệp Hồng Kỳ, xã Úc Kỳ (Phú Bình) đã có 3 sản phẩm (gạo nếp Thầu Dầu, tương Úc Kỳ và tương nếp Hồng Kỳ) được công nhận đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Chia sẻ về niềm vui này, anh Dương Văn Duy, Giám đốc HTX, cho biết: Đây là kết quả từ sự nỗ lực của các thành viên và người lao động trong HTX, cùng sự quan tâm, tạo điều kiện của địa phương và ngành chức năng. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, từ năm 2021, HTX đã liên kết với 90 hộ dân trong xã Úc Kỳ để xây dựng vùng nguyên liệu lúa nếp Thầu Dầu có diện tích 10ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; đầu tư máy móc; thiết kế bao bì có mã truy xuất, nhãn mác bắt mắt nhằm tạo ấn tượng cho khách hàng.

Bên cạnh đó, ngành chức năng của tỉnh và chính quyền địa phương cũng hỗ trợ HTX một phần kinh phí đầu tư tem mác, cấp mã số vùng trồng, hướng dẫn hồ sơ đăng ký…

Theo anh Duy, kể từ khi sản phẩm được công nhận đạt OCOP, lượng hàng hóa HTX bán ra tăng cao hơn trước. Mới đây, HTX dịch vụ nông nghiệp Hồng Kỳ đã ký kết hợp đồng cung cấp gạo nếp Thầu Dầu lâu dài cho HTX Bản Việt (xã Bảo Lý) và đã bán gần 1 tấn gạo cho HTX này trong 2 tháng qua.

Cũng trong năm 2022, HTX chè Hoàng Nông (Đại Từ) có sản phẩm “Hoàng Tâm trà” được công nhận đạt OCOP 3 sao. Anh Trịnh Văn Khánh, Giám đốc HTX, cho biết: HTX hành lập từ năm 2020, với 11 thành viên và 50 hộ dân liên kết. Tổng diện tích vùng nguyên liệu chè VietGAP của chúng tôi là 40ha.

Thời gian qua, cùng với việc đảm bảo sản xuất theo quy trình VietGAP, HTX chè Hoàng Nông đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mua sắm máy móc (4 máy tôn gas, 12 tôn củi, 60 máy vò chè, 1 máy hút chân không, 3 máy phát điện), cải tạo nhà xưởng rộng 700m2 nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất. Trong năm 2023, HTX tiếp tục phấn đấu có thêm 2 sản phẩm chè đạt sao OCOP.

Vùng chè nguyên liệu đạt tiêu chuẩn VietGAP của HTX Hoàng Nông, xã Hoàng Nông (Đại Từ).
Vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn VietGAP của HTX chè Hoàng Nông, xã Hoàng Nông (Đại Từ).

Không riêng 2 đơn vị nêu trên, thời gian qua, các HTX trong tỉnh đã khai thác tốt lợi thế trong sản xuất nông nghiệp để đa dạng hóa sản phẩm OCOP, như: chè, măng, miến, mì gạo, nem bùi, tương nếp, cao ngựa, cao hươu, thịt sấy khô...

Kết quả, chỉ sau 4 năm đánh giá xếp hạng (2019-2022), Thái Nguyên đã có 173 sản phẩm được xếp hạng OCOP tiêu chuẩn 3 - 5 sao, trong đó, 70% là sản phẩm của các HTX nông nghiệp. Điều này cho thấy, các HTX nông nghiệp đang là lực lượng nòng cốt trong phát triển sản phẩm OCOP.

Để có được kết quả này, bên cạnh sự nỗ lực của mỗi HTX, các ngành chức năng của tỉnh và địa phương đã dành nhiều sự quan tâm, triển khai những chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện cho HTX nông nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Chỉ tính riêng trong 2 năm (2021-2022), toàn tỉnh có 91 HTX nông nghiệp thành lập mới. Hiện Thái Nguyên có 495 HTX nông nghiệp và 5 liên hiệp HTX nông nghiệp. Tính trung bình, mỗi xã trong tỉnh đều có ít nhất 1 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó nhiều HTX đã tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, xây dựng được nhãn hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường, nhất là các sản phẩm OCOP .

Từ đó, ở nhiều địa phương đã hình thành được vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, góp phần quan trọng đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Theo đánh giá của ngành chức năng, giá trị kinh tế của các sản phẩm sau khi được đánh giá xếp hạng OCOP tăng từ 20% trở lên. Doanh số bán hàng của các đơn vị có sản phẩm đạt 3 sao, 4 sao, 5 sao OCOP đều tăng 20-50%. Đặc biệt, một số sản phẩm của HTX miến Việt Cường, HTX chè Hảo Đạt, HTX chè La Bằng, HTX Sơn Dung trà có doanh số bán hàng tăng 300-400%...

Để tạo động lực cho các HTX nói chung, HTX nông nghiệp nói riêng phát huy tiềm năng, thế mạnh để xây dựng sản phẩm OCOP, theo ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh: Chúng tôi sẽ phối hợp với các sở, ngành, cơ quan chức năng và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức tập huấn kiến thức về OCOP cho các HTX. Bên cạnh đó, đồng hành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các HTX trong quá trình triển khai, hoàn thiện hồ sơ đăng ký mới và nâng hạng sao. Tỉnh cũng sẽ tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP của các HTX...



Yến sào LifeNest