Chợ 4.0 lên vùng cao Võ Nhai

Hoàng Hưng 09:26, 07/06/2023

Mô hình Chợ 4.0 - thanh toán không dùng tiền mặt, được thực hiện thí điểm tại chợ Đình Cả (Võ Nhai) đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân. Qua đó cho thấy một trong những hiệu ứng thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số đối với người dân vùng cao chính là giao dịch điện tử.

Nhân viên Agribank Võ Nhai hướng dẫn tiểu thương chợ Đình Cả quét mã QR nhận thanh toán không dùng tiền mặt.
Nhân viên Agribank Võ Nhai hướng dẫn tiểu thương chợ Đình Cả quét mã QR nhận thanh toán không dùng tiền mặt.

Mô hình Chợ 4.0 được UBND huyện Võ Nhai phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agribank) Võ Nhai triển khai thí điểm tại chợ Đình Cả (thị trấn Đình Cả) từ trung tuần tháng 4/2023. Mô hình được triển khai nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ Đình Cả, tiến tới mở rộng ra toàn bộ các chợ trên địa bàn huyện Võ Nhai. 

Mô hình Chợ 4.0 tại chợ Đình Cả bước đầu có trên 50 hộ kinh doanh, tiểu thương triển khai dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt qua hình thức quét mã QR do Chi nhánh Ngân hàng Agribank Võ Nhai cung cấp.

Thay vì dùng tiền mặt, với mô hình chợ 4.0, các tiểu thương và người dân có thể mua bán các mặt hàng và thanh toán bằng cách quét mã QR hoặc chuyển tiền qua SMS hay ứng dụng E-Mobile Banking của Agribank.

Tại chợ Đình Cả, Agribank Võ Nhai đã triển khai trang bị mã QR kết nối với tài khoản thanh toán điện tử của tiểu thương; đồng thời, cử nhân viên đến tận các hộ, hỗ trợ tiểu thương và bà con nhân dân có nhu cầu sử dụng.

Nhân viên Agribank Võ Nhai hướng dẫn người dân thanh toán không dùng tiền mặt qua ứng dụng E-Mobile Banking.

Nói về cách thức thanh toán này, bà Nguyễn Thị Bích Thuỷ, tổ dân phố 1, thị trấn Đình Cả, bày tỏ vui mừng: Hình thức thanh toán này rất tiện lợi, tôi có thể thoải mái đi chợ mà không cần phải mang theo tiền lẻ, tính toán tiền thừa như trước đây. 

Còn chị Trần Thị Minh Nguyệt, chủ hộ kinh doanh hoa quả tại chợ Đình Cả, chia sẻ: Trước đây, tôi cứ nghĩ việc thanh toán không dùng tiền mặt sẽ phiền hà, khó khăn. Nhưng gần đây, nhiều khách hàng tỏ ý muốn thanh toán không dùng tiền mặt khi đến mua hàng nên khi biết có chủ trương hỗ trợ tiểu thương đăng ký tài khoản quét mã QR, tôi làm ngay. Hiện nay, khoảng gần 1/2 lượng khách hàng của tôi sử dụng hình thức này để thanh toán.

Còn bà Nguyễn Thị Thanh, chủ ki-ốt bán giày, dép thời trang, nói: Dù chỉ mới bán hàng bằng hình thức thanh toán qua mã QR được hơn 1 tháng nhưng tôi thấy rất thuận tiện, nhanh chóng. Người mua hàng của tôi cũng rất hài lòng với hình thức thanh toán này. Trước đây, cũng có trường hợp vì không có mã QR để nhận tiền qua tài khoản, khách đã từ chối mua hàng của tôi.

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, hiện tại, Agribank là ngân hàng thương mại duy nhất hoạt động trên địa bàn huyện Võ Nhai với độ phủ rộng khắp, gồm: 29 điểm chấp nhận thanh toán bằng thẻ (POS) và 15 nghìn tài khoản. Trong đó, có trên 10 nghìn tài khoản sử dụng ứng dụng E-Mobile Banking để thanh toán trực tuyến. Do đó, việc áp dụng mô hình chợ 4.0 tại vùng cao Võ Nhai được Agribank hỗ trợ rất nhiều.

Huyện Võ Nhai hiện có 11 chợ dân sinh truyền thống, với hơn 800 tiểu thương và trên 3,5 nghìn hộ kinh doanh. Năm 2023, huyện phấn đấu 100% chợ trên địa bàn đạt điều kiện chợ 4.0.

Ông Liêu Văn Sơn, Phó Giám đốc Agribank Võ Nhai, cho biết: Việc quét mã QR hay chuyển tiền qua ứng dụng E-Mobile Banking rất thuận tiện, nhất là với những người không muốn mang theo nhiều tiền mặt trong người. Người mua hàng thanh toán tiền qua ứng dụng của ngân hàng nên rất nhanh, độ chính xác cao. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với UBND huyện Võ Nhai và các xã, thị trấn triển khai mở rộng hình thức thanh toán này tới nhiều khách hàng hơn nữa.

Đánh giá về mô hình chợ 4.0, bà Vũ Thị Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Võ Nhai, khẳng định: Việc triển khai mô hình chợ 4.0 nói riêng và các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt nói chung nằm trong kế hoạch chuyển đổi số của huyện Võ Nhai. Sau khi triển khai mô hình điểm thành công, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ và các địa phương mở rộng mô hình này, không chỉ áp dụng tại các chợ, mà phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực khác.