Hợp tác xã tạo thương hiệu từ sản phẩm chủ lực

Thanh Phong 08:10, 11/07/2023

Những năm gần đây, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Lương đã tập trung xây dựng các sản phẩm chủ lực theo thế mạnh và đơn đặt hàng. Qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời tạo động lực phát triển các sản phẩm theo Chương trình OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm).

Trưng bày các sản phẩm OCOP, nông nghiệp tiêu biểu của huyện Phú Lương trong các chương trình, hội chợ góp phần quảng bá sâu rộng đến người tiêu dùng.
Việc trưng bày sản phẩm OCOP tại các hội chợ, triển lãm góp phần quảng bá những nông sản tiêu biểu của huyện Phú Lương đến với người tiêu dùng.

Với yêu cầu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, lĩnh vực kinh tế HTX trên địa bàn huyện Phú Lương đã có bước phát triển mới về số lượng, hiệu quả hoạt động được nâng cao với nhiều loại hình dịch vụ, nhất là ở khu vực nông thôn. Các HTX đã từng bước phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất. Qua đó, góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều nông dân.

Theo số liệu thống kê, huyện Phú Lương hiện có 61 HTX đang hoạt động theo Luật HTX. Trong đó có 16 HTX thành lập mới từ năm 2021 đến nay, thu hút 1.300 thành viên và người lao động tham gia. Kết thúc năm 2022, bình quân doanh thu của các HTX trên địa bàn huyện đạt 950 triệu đồng/HTX/năm, lợi nhuận đạt bình quân 320 triệu đồng. Các HTX tạo việc làm ổn định cho thành viên và người lao động, với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ là chỗ dựa cho kinh tế hộ phát triển, các HTX còn có đóng góp quan trọng trong việc tăng thêm giá trị hàng hóa phục vụ tiêu dùng xã hội, xây dựng sản phẩm chủ lực, đặc trưng cho từng địa phương. Đơn cử như tham gia Chương trình OCOP, trong 3 năm qua (2020-2022), toàn huyện Phú Lương có 16 sản phẩm được công nhận đạt 3 sao và 4 sao OCOP, trong đó 14 sản phẩm của 11 HTX.

Là một trong 8 HTX tham gia và có sản phẩm được công nhận đạt sao OCOP trong năm 2021, HTX nông sản nếp vải Ôn Lương (xã Ôn Lương) đã thành công đưa gạo nếp Vải trở thành sản phẩm đặc sản, chủ lực đại diện cho địa phương.

HTX sản xuất trà an toàn Thái Ninh (xã Tức Tranh) đã xây dựng 10ha nguyên liệu chè đạt tiêu chuẩn VietGAP.
HTX sản xuất trà an toàn Thái Ninh (xã Tức Tranh) đã xây dựng vùng nguyên liệu chè đạt tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 10ha.

Chị Nguyễn Xuân Huế, Phó Giám đốc HTX nông sản nếp vải Ôn Lương, chia sẻ: Trước đây, chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản là tập hợp các thành viên và thành lập HTX để cùng sản xuất, cùng mua phân bón, vật tư nông nghiệp với giá ưu đãi. Sau này, HTX được ngành chức năng tỉnh, huyện và địa phương quan tâm, hướng dẫn xây dựng sản phẩm OCOP, tạo điều kiện tham gia các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Từ đó, hàng hóa của chúng tôi tiêu thụ dễ dàng, thuận lợi hơn trước.

Hiện nay, ngoài việc bán lẻ, HTX nông sản nếp vải Ôn Lương đã ký kết 2 hợp đồng lớn, cung cấp 3,5 tấn gạo/năm cho HTX nông sản sạch Huyền Hân (TP. Thái Nguyên) và HTX nông lâm nghiệp Phú Thượng (Võ Nhai). Bên cạnh đó, HTX cũng đầu tư bao bì, nhãn mác cho các sản phẩm bánh, cốm sản xuất từ gạo nếp Vải nhằm ngày càng mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nếp Vải địa phương.

Còn với HTX sản xuất trà an toàn Thái Ninh (xã Tức Tranh), OCOP chính là một “sân chơi thương hiệu” lớn, tạo động lực cho đơn vị phấn đấu có sản phẩm chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao

Anh Nguyễn Thái Ninh, Giám đốc HTX sản xuất trà an toàn Thái Ninh, cho hay: Trên địa bàn xã trước đó đã có 2 HTX xây dựng thành công 3 sản phẩm đạt sao OCOP. Tuy nhiên, với suy nghĩ nâng cao tính cạnh tranh, xây dựng riêng thương hiệu chè cho vùng chè xóm Minh Hợp, HTX đã quyết tâm kiên trì làm từng bước, từ việc đảm bảo chè sản xuất theo tiêu chuẩn vietGAP đến chú trọng thiết kế bao bì, mẫu mã đẹp mắt, hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Từ khi được gắn sao OCOP, sản phẩm của HTX làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó.

Theo đánh giá của ngành chức năng huyện Phú Lương, đến nay, cả 11 HTX tham gia Chương trình OCOP đều phát huy được lợi thế của địa phương, xây dựng các sản phẩm có ưu thế cạnh tranh trên thị trường, được người tiêu dùng đón nhận. Đặc biệt, sản phẩm của HTX chè an toàn Khe Cốc (xã Tức Tranh) không chỉ được tiêu thụ mạnh trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.

Để hỗ trợ quảng bá các sản phẩm chủ lực của địa phương, ngành chức năng của tỉnh đã hỗ trợ lắp đặt biển hiệu cho 22 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cấp huyện, xã. UBND huyện Phú Lương cũng hỗ trợ lắp đặt 14 tủ trưng bày sản phẩm đặt tại 14 điểm; tạo điều kiện cho các chủ thể OCOP tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại nhiều triển lãm, hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh…

Để ngày càng có nhiều chủ thể OCOP là các HTX, cùng với việc tiếp tục triển khai các chính sách khuyến khích, tư vấn cho các HTX xây dựng sản phẩm chủ lực phù hợp với từng địa phương, theo lãnh đạo UBND huyện Phú Lương, huyện sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại đối với những sản phẩm đã đạt sao OCOP. Đồng thời, tập trung phát triển vùng nông sản hàng hóa, đẩy mạnh liên kết, chế biến sâu nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, xây dựng thương hiệu cho những loại nông sản tiêu biểu của địa phương...