Nhằm giúp chị em được tiếp cận và vay nguồn vốn ưu đãi từ các chương trình, dự án, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Phú Bình đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Cùng với đó, tổ chức hội chú trọng hỗ trợ các hội viên có thêm điều kiện sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và nâng cao thu nhập.
Nhờ được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn "Ngôi làng hy vọng", gia đình bà Dương Thị Phương, ở xóm Giữa, xã Xuân Phương (Phú Bình) đã thoát hộ cận nghèo và có cuộc sống ổn định hơn. |
Bà Lê Thị Huyền, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Bình, thông tin: Toàn huyện hiện có trên 28.000 hội viên phụ nữ, sinh hoạt ở 22 cơ sở hội. Để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp hội viên vươn lên phát triển kinh tế, Hội LHPN huyện đã thực hiện nhiều giải pháp để khai thác hiệu quả các nguồn vốn vay; tuyên truyền để hội viên biết đến các nguồn vốn vay ưu đãi; triển khai nguồn vốn tới hội viên. Đồng thời thực hiện tốt việc quản lý, kiểm tra các nguồn vốn ủy thác tại 20/20 xã, thị trấn…
Từng là hộ cận nghèo của xã Xuân Phương, nhờ được vay nguồn vốn “Ngôi làng hy vọng”, gia đình bà Dương Thị Phương, ở xóm Giữa, đã có đời sống ổn định hơn trước.
Bà Phương chia sẻ: Trước đây, tôi làm ruộng và chăn nuôi. Nhưng mấy năm gần đây, do bị thoát vị đĩa đệm nên tôi không thể tiếp tục công việc này. Được Hội LHPN xã giới thiệu, tôi đã vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn “Ngôi làng hy vọng” để mở rộng cửa hàng tạp hóa tại nhà. Sau khi trừ chi phí, tôi có thu nhập khoảng 3,5 triệu đồng/tháng để lo cho con ăn học. Gia đình tôi hiện đã thoát hộ cận nghèo.
Còn tại xã Bảo Lý, bên cạnh việc triển khai các nguồn vốn vay của Hội LHPN cấp trên, hội viên ở 12 chi hội trên địa bàn đã thực hiện góp vốn xoay vòng để giúp đỡ chị em những lúc khó khăn, ốm đau, hoạn nạn.
Bà Bùi Thị Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN xã Bảo Lý, nói: Được duy trì từ năm 2013 đến nay, tùy theo điều kiện kinh tế, mỗi nhóm hội viên từ 10-12 người sẽ đóng góp ở các mức phù hợp. Trung bình chị em đóng góp từ 500 nghìn đồng đến 2 triệu đồng/người/tháng, thậm chí có nhóm hội viên còn góp vốn 5 triệu đồng/người/tháng. Với số tiền đóng góp, tiết kiệm được hàng tháng, mỗi chi hội sẽ bình xét, ưu tiên chị em đang ốm đau, gia đình có việc… được sử dụng tiền trước để lo việc gia đình.
Hiện xã Bảo Lý có hơn 30 nhóm góp vốn xoay vòng, với hàng trăm hội viên tham gia. Trung bình mỗi năm, các chi, nhóm hội phụ nữ giúp đỡ hơn 100 hội viên gặp khó khăn. Qua đó, thể hiện tinh thần tương thân tương ái giữa các chị em hội viên.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Hội LHPN huyện Phú Bình đang quản lý tổng nguồn vốn gần 520 tỷ đồng, cho 7.523 người vay. Trong đó, vốn ủy thác tại Ngân hàng Chính sách xã hội là 159 tỷ đồng, cho 3.375 người vay; vốn tại Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agribank Chi nhánh huyện Phú Bình) là 330 tỷ đồng, cho 2.530 người vay; Ngân hàng TMCP Đông Á là trên 1 tỷ đồng, với 45 hộ vay. Ngoài ra, Quỹ Tình thương (TYM) có tổng dư nợ gần 28 tỷ đồng, cho 1.100 thành viên vay.
Cùng với đó, Hội duy trì hiệu quả nguồn vốn xoay vòng tại các xã Bảo Lý và Tân Đức, với dư nợ 520 triệu đồng, cho 45 hộ vay; duy trì nguồn vốn vay “Ngôi làng hy vọng” để giúp phụ nữ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại xã Xuân Phương và Hà Châu, với tổng dư nợ trên 1 tỷ đồng; duy trì hoạt động tiết kiệm tại các chi, tổ phụ nữ bằng hình thức góp vốn xoay vòng để giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế…
Qua kiểm tra, đánh giá cho thấy, các hội viên đều sử dụng và phát huy được hiệu quả nguồn vốn, đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích. Nhờ đó, nhiều hội viên đã vươn lên thoát nghèo, cận nghèo, có cuộc sống ổn định. Tính riêng trong 2 năm (2021-2022), từ các nguồn vốn vay, Hội LHPN huyện đã đăng ký giúp đỡ 312 gia đình hội viên phụ nữ, trong đó có 166 hộ đã thoát nghèo, cận nghèo.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin