Nam Hòa là xã miền núi nằm ở phía Đông Nam của huyện Đồng Hỷ. Với trên 70% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống của bà con còn một số khó khăn nhất định. Những năm gần đây, nhờ khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng của địa phương, đời sống người dân từng bước được nâng lên.
Mô hình chăn nuôi gà thả đồi của gia đình anh Phùng Văn Điệp, ở xóm Ba Phượng, xã Nam Hòa, cho thu lãi 80-100 triệu đồng/năm. |
Ông Lê Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Nam Hòa, thông tin: Với diện tích đất nông nghiệp lớn - trên 1.300ha, trong đó diện tích trồng lúa trên 900ha, địa phương xác định rõ nông, lâm nghiệp vẫn đóng vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế.
Do vậy, song song với việc triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách khuyến nông của Nhà nước, xã giao nhiệm vụ cho các hội đoàn thể tăng cường vận động người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; phát triển các mô hình cánh đồng mẫu lớn; chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, đất rừng phân tán sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao như cây ăn quả, cây chè; thực hiện quy hoạch lại vùng chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại...
Tìm hiểu chúng tôi được biết, từ đầu năm 2023 đến nay, UBND xã Nam Hòa đã phối hợp với ngành chức năng triển khai xây dựng nhãn hiệu tập thể bưởi Nam Hòa; làm hồ sơ cấp mới giấy chứng nhận VietGAP cho 16ha ổi, chè. Theo đó, dự kiến đến cuối năm, toàn xã có 18,6ha/183ha chè và 25ha/207ha cây ăn quả được công nhận đạt chuẩn VietGAP.
Đối với cây lúa, năm 2023, xã Nam Hòa phối hợp với phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Hỷ triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn, cấy giống lúa J02 tại hai xóm Chí Son và Đồng Chốc, với diện tích 30ha. 179 hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ 50% kinh phí mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và được tập huấn kỹ thuật chăm sóc lúa…
Anh Hoàng Văn Long, người dân xóm Chí Son, chia sẻ: Giống lúa J02 đã được xã khuyến khích trồng trong vài năm gần đây. Năm nay, tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn, tôi được cán bộ khuyến nông hướng dẫn trực tiếp cách chăm sóc lúa và phòng chống sâu bệnh ở từng thời điểm vụ thể. Nhờ đó, năng suất, chất lượng lúa cao hơn hẳn những vụ trước, đạt 2,15 tạ/sào, doanh thu đạt 1,1 triệu đồng/sào, cao hơn 600 nghìn đồng/sào so với trước đây.
Toàn xã hiện có 439 nông hộ, 48 trang trại chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ, duy trì tổng đàn trâu bò gần 700 con; trên 6.000 con lợn và 160.000 con gia cầm, thủy cầm. Phát huy lợi thế về phát triển nông nghiệp và để hỗ trợ người dân có điều kiện đầu tư cho sản xuất, tính đến giữa tháng 10, Hội Nông dân xã Nam Hòa đã kết nối với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT cho hàng trăm hộ hội viên vay vốn, với số tiền trên 90 tỷ đồng; nhận uỷ thác với Ngân hàng Chính sách xã hội cho hộ hội viên nông dân vay vốn sản xuất, giải quyết việc làm, với số tiền 12,3 tỷ đồng.
Hội cũng tổ chức 3 lớp dạy nghề cho 90 học viên tham gia; 21 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 1.860 lượt hội viên, nông dân tham gia... Qua đó, góp phần ổn định hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Anh Phùng Văn Điệp, người dân xóm Ba Phượng, chia sẻ: Những năm gần đây, có nhiều chương trình hỗ trợ cây giống, tập huấn kiến thức chăn nuôi, trồng trọt được tổ chức tại địa phương. Thêm vào đó là đường làng, ngõ xóm được đổ bê tông, giao thông đi lại thuận tiện đã giúp nông dân chúng tôi yên tâm đầu tư tăng gia sản xuất, hàng hóa không bị tư thương ép giá. Hiện nay, gia đình tôi có 5 sào chè; 0,5ha trồng keo và chăn nuôi 6.000 con gà/năm, thu lãi trên 120 triệu đồng/năm.
Với những nỗ lực của tập thể chính quyền và người dân trong phát triển kinh tế, đời sống của người dân xã Nam Hòa đang từng bước được nâng lên, thể hiện rõ qua tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm dần qua các năm. Tỷ lệ hộ nghèo từ 6,0% (năm 2022) giảm còn 3,6%; hộ cận nghèo từ 6,75% giảm xuống còn 4,15%; thu nhập bình quân tăng từ 31,5 triệu đồng (năm 2020) lên gần 52 triệu đồng/người/năm (năm 2023)...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin