Người Sán Dìu ở Bờ Suối thay đổi tư duy sản xuất

Minh Phương 06:39, 19/09/2023

Xóm Bờ Suối, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) có 218 hộ dân, với trên 1.000 nhân khẩu. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 75%, chủ yếu là người Sán Dìu. Những năm gần đây, bà con người Sán Dìu ở Bờ Suối đã thay đổi tư duy, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ vậy, Bờ Suối trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Mô hình nuôi vịt lấy trứng của gia đình chị Hoàng Thị Thảo, dân tộc Sán Dìu, xóm Bờ Suối, xã Nam Hoà (Đồng Hỷ) cho thu nhập gần 600 triệu đồng/năm.
Mô hình nuôi vịt lấy trứng của gia đình chị Hoàng Thị Thảo, dân tộc Sán Dìu, ở xóm Bờ Suối, xã Nam Hoà (Đồng Hỷ) cho thu nhập gần 600 triệu đồng/năm.

Ở xóm Bờ Suối, chuyện vươn lên thoát nghèo, làm giàu của gia đình chị Hoàng Thị Thảo, dân tộc Sán Dìu, đã trở thành tấm gương tiêu biểu để bà con học tập, noi theo.

Từ một hộ nghèo, năm 2002, chị Thảo mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội và vay mượn thêm anh em bạn bè được gần 100 triệu đồng để đầu tư mua 3 máy ấp trứng, sản xuất và bán trứng vịt lộn. Trung bình mỗi ngày, chị cung cấp ra thị trường hơn 4.500 quả trứng vịt lộn. Việc sản xuất, kinh doanh thuận lợi, khi có thêm vốn, chị Thảo tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế.

Hiện nay, gia đình chị đang duy trì mô hình trang trại chăn nuôi vịt với gần 5.000 con. Vịt chăn thả tự nhiên nên chất lượng trứng thơm, ngon. Nhờ đó, cơ sở cung cấp trứng vịt trắng và trứng vịt lộn của gia đình chị Thảo trở thành địa chỉ tin cậy của người tiêu dùng. Ngoài ra, chị còn trồng xen canh các loại cây ăn quả như nhãn, vải để vừa tạo bóng mát cho đàn vịt, vừa tăng thêm nguồn thu. Đến nay, mô hình của chị Thảo cho thu lãi gần 600 triệu đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 6 lao động trong gia đình.

Cùng với gia đình chị Thảo, trên địa bàn xóm Bờ Suối cũng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, như: mô hình trồng cam Canh của gia đình anh Đỗ Ngọc Chung; mô hình chăn nuôi gà của gia đình chị Trần Thị Cúc, Diệp Thị Lan...; mô hình trồng ổi, mít, nhãn của gia đình chị Hoàng Thị Thanh.

Chị Diệp Thị Lan, đại diện hộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi ở xóm Bờ Suối, chia sẻ: Trước kia, gia đình tôi chủ yếu làm ruộng và chăn nuôi nhỏ lẻ nên thu nhập không đáng kể. Từ khi mạnh dạn đầu tư mô hình chăn nuôi gà thịt với quy mô 10.000 con/lứa, nhà tôi có thu nhập cao hơn hẳn.

Theo đánh giá của chính quyền địa phương, việc người dân Bờ Suối đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm; khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tạo điều kiện thuận lợi đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, đưa sản xuất nông nghiệp trên địa bàn phát triển.

Nhờ tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa đã giúp nâng mức thu nhập bình quân của người dân Bờ Suối đạt 51,82 triệu đồng/người/năm (tăng 14 triệu đồng so với năm 2020). Toàn xóm hiện chỉ còn 8 hộ nghèo, 12 hộ cận nghèo.

Ông Hoàng Văn Dũng, Trưởng xóm Bờ Suối, cho rằng: Có được kết quả này là nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, trong đó phải kể đến các chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Từ đó, tạo được "đòn bẩy" quan trọng giúp người dân thay đổi nhận thức, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào canh tác, chăm lo làm ăn và xây dựng cuộc sống mới.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Nam Hoà, cho biết: Ngay khi được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019, chính quyền địa phương xác định nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục nâng cao chất lượng của các tiêu chí. Muốn làm được điều đó, cán bộ, đảng viên, MTTQ và các đoàn thể phải luôn chủ động sáng tạo trong vận dụng cơ chế, chính sách của Nhà nước, kết hợp với huy động đa dạng mọi nguồn lực sao cho phù hợp với điều kiện thực tế và sự đóng góp, chung sức, đồng lòng của nhân dân.

Trong đó, nội dung then chốt là nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy trong cách nghĩ, cách làm của người dân, nhất là với bà con người dân tộc thiểu số. Và Bờ Suối là một trong những xóm đi đầu trong huy động nguồn lực thúc đẩy phát triển sản xuất theo quy mô hàng hóa, cũng như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị trên cùng đơn vị diện tích canh tác, phát triển thêm các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm...