Sau 2 tháng Thông tư số 06/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có hiệu lực, số khách hàng được vay vốn NH này để trả nợ NH khác trên địa bàn tỉnh không nhiều. Một số chi nhánh thuộc tốp 4 NH lớn nhất thậm chí chưa tiếp nhận hồ sơ nào thuộc diện này, mặc dù lãi suất cho vay cạnh tranh hơn hẳn so với mặt bằng chung của thị trường.
Tính đến cuối tháng 10, Vietcombank Chi nhánh Thái Nguyên chưa tiếp nhận hồ sơ nào của khách hàng chuyển đến từ ngân hàng khác và cũng chưa có khách hàng nào chuyển hồ sơ đi từ Chi nhánh. Ảnh minh họa |
Ông Nguyễn Xuân Nam, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), đã rất hy vọng khi Thông tư 06 có hiệu lực, sẽ có cơ hội được vay vốn lãi suất thấp hơn ở NH khác cho khoản vay 3 tỷ đồng. Thời điểm bắt đầu vay, lãi suất ông được tính trung bình trong 4 năm là khoảng 12,5-13%/năm. Trong khi đó, hiện một số NH đang cho vay kỳ hạn 36 tháng chỉ khoảng 9,8%/năm.
Tuy nhiên, đọc kỹ lại hợp đồng, ông Nam mới biết nếu trả trước hạn, NH đang vay sẽ tính phí 2 năm đầu là 1,5%/năm/tổng dư nợ, các năm còn lại là 1%. Tính ra, số tiền ông sẽ phải trả cho NH cũ là 150 triệu đồng
Còn bà Đào Thị Ngọc, phường Cải Đan (TP. Sông Công), cho biết: Sau khi đặt vấn đề vay ở một NH có lãi suất được cho là thấp nhất thị trường, tôi được nhân viên tư vấn tất toán khoản vay ở NH cũ rồi sang làm thủ tục vay mới. Vì khách hàng sẽ rất khó lấy được xác nhận từ NH đang vay vào phiếu thông tin theo yêu cầu của NH mới. Trong khi đó, nếu không có xác nhận này thì NH mới không thể giải ngân.
Với trường hợp của bà Trần Mỹ Hạnh, phường Phú Xá (TP. Thái Nguyên), ban đầu, bà được một NH đồng ý cho vay tối đa 9 tỷ đồng, trong khi một NH khác chấp nhận cho vay 12,5 tỷ đồng. Do đó, bà Hạnh định chuyển hồ sơ sang NH này. Tuy nhiên, sau khi trao đổi, thống nhất lại, NH ban đầu đã đồng ý nâng hạn mức cho vay lên 10,5 tỷ đồng nên bà Hạnh đã đồng ý.
Việc định giá tài sản có sự khác nhau giữa các NH là một trong những nguyên nhân khiến một số khách hàng muốn chuyển hồ sơ từ NH này sang vay vốn NH khác (ảnh minh họa). |
Có 2 lý do cơ bản khiến khách hàng chuyển dịch khoản vay từ NH này sang NH khác là lãi suất hoặc hạn mức và các khoản vay chủ yếu là trung dài hạn. Tuy nhiên, đại diện các NH cũng thừa nhận, khách hàng không dễ chuyển hồ sơ vay từ NH này qua NH khác.
Theo bà Nguyễn Khuê Chính, Phó Giám đốc NH Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên: Có cả những khó khăn và rủi ro khác đến từ chính phía khách hàng khi họ không phối hợp để hoàn thiện hồ sơ sau cho vay, đặc biệt là hồ sơ tài sản bảo đảm.
Đại diện BIDV Thái Nguyên đề nghị: NHNN cần quy định cụ thể trong việc NH phối hợp cung cấp thông tin khách hàng, thời gian cung cấp thông tin, trả hồ sơ tài sản bảo đảm sau khi khách hàng đã trả hết nợ.
Cũng vì những khó khăn hiện hữu và tiềm ẩn nên một số NH không mấy mặn mà trong việc cho vay đối với khách hàng này, trừ những khách hàng lớn. Ông Phạm Quang Đạt, Phó Giám đốc NH Ngoại thương (Vietcombank) Chi nhánh Thái Nguyên, chia sẻ: Khi khách hàng muốn vay tại Chi nhánh, chúng tôi thường đề nghị họ tất toán ở NH đang vay rồi làm hồ sơ vay mới. Những khách hàng không có khả năng này (trừ những khoản vay lớn) không phải là đối tượng mà chúng tôi hướng đến. Tuy nhiên, đối với những khoản vay lớn khác, ba bên gồm NH đang cho vay, NH sẽ cho vay và khách hàng sẽ ngồi lại với nhau để cùng thỏa thuận.
Ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên, cho rằng: Bản chất của việc vay NH này để trả nợ NH khác chính là mua bán nợ. Chính vì thế, các NH không quá quan tâm đến đối tượng khách hàng này. Tuy vậy, việc cho phép người vay chuyển hồ sơ từ NH này sang vay NH khác cũng sẽ khiến các NH phải có ý thức nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ, cũng như đưa ra mức lãi suất cạnh tranh nếu không muốn bị mất khách hàng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin