Những năm gần đây, người chăn nuôi gặp không ít khó khăn do tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi có xu hướng phức tạp và khó lường. Để bảo vệ đàn vật nuôi, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đã ứng dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), đặc biệt là chăn nuôi tập trung, theo quy mô trang trại.
Anh Bùi Nguyễn Hùng, quản lý cơ sở chăn nuôi gà ở xóm Dạt, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) chia sẻ thông tin với cán bộ địa phương về quy trình chăn nuôi theo quy chuẩn VietGAP. |
Cơ sở chăn nuôi do anh Bùi Nguyễn Hùng, ở xóm Dạt, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) quản lý là 1 trong 7 cơ sở chăn nuôi gà trên địa bàn huyện Đồng Hỷ được ngành chức năng cấp Giấy chứng nhận VietGAP trong năm 2023.
Anh Hùng chia sẻ: Từ năm 2018, trên khu đất rộng 2ha, chúng tôi xây 4 dãy chuồng trại, lắp đặt đầy đủ hệ thống quạt gió, hút mùi, đảm bảo chăn nuôi 20.000 con gà đẻ trứng. Trung bình mỗi ngày, cơ sở cung ứng ra thị trường 13.000-15.000 quả trứng gà.
Từ đầu năm 2023, cơ sở bắt đầu áp dụng quy trình chăn nuôi VietGAP, thực hiện nghiêm ngặt các tiêu chuẩn chuồng trại, nguồn nước, chất lượng con giống, đặc biệt là ghi chép cẩn thận sổ theo dõi chế độ chăm sóc, thức ăn, lịch tiêm phòng vắc-xin… của đàn gà.
"Qua nhiều đợt lấy mẫu xét nghiệm của cơ quan chức năng, tháng 9 vừa qua, cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận VietGAP. Sau đó, chúng tôi đã thuận lợi ký hợp đồng cung ứng trứng gà cho một số nhà hàng lớn ở trong và ngoài tỉnh" - anh Hùng cho biết thêm.
Còn với trang trại chăn nuôi lợn giống của ông Nguyễn Quang Tiếp, ở tổ dân phố 5, thị trấn Sông Cầu, không chỉ được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2021 mà còn đảm bảo tiêu chuẩn chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật.
Ông Tiếp cho biết: Nhờ áp dụng đồng bộ các biện pháp chăn nuôi an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP nên trang trại của chúng tôi phát triển ổn định, không xảy ra dịch bệnh. Trung bình mỗi năm, lợi nhuận của trang trại đạt 1,8- 2 tỷ đồng, đảm bảo việc làm ổn định cho 40 lao động với mức thu nhập từ 6-12 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ tại 2 trang trại trên, những năm qua, để khuyến khích người dân áp dụng quy trình VietGAP vào chăn nuôi, huyện Đồng Hỷ đã chỉ đạo các xã xây dựng quy hoạch vùng chăn nuôi theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân trong quá trình triển khai.
Tính riêng trong hai năm 2022 và 2023, huyện đã hỗ trợ 400 triệu đồng kinh phí cấp Giấy chứng nhận VietGAP lần đầu cho 8 trang trại chăn nuôi gà; ngành Nông nghiệp huyện phối hợp tổ chức 5 lớp tập huấn chăn nuôi VietGAP, với 250 hộ dân tham gia; triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh…
Qua đó, từ năm 2019 đến nay, toàn huyện có 21 trang trại chăn nuôi lợn, gà được đánh giá công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; 3 trang trại được cấp chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật. Hiện tổng đàn lợn, gà trên địa bàn là hơn 1,75 triệu con, trong đó, các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh thú y chiếm khoảng 55% tổng đàn.
Bà Nguyễn Thị Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Hỷ, cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng của tỉnh tăng cường tập huấn khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng con giống và công tác phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó là khuyến khích các địa phương phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, chuồng trại nằm xa khu dân cư; tăng cường thu hút các doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật, vốn, xây dựng chuỗi liên kết theo hướng hàng hóa nhằm nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi...
Quy trình chăn nuôi VietGAP là tổng hợp các nguyên tắc, trình tự hướng dẫn nhằm bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi, bảo vệ sức khỏe người chăn nuôi và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm. Khi thực hành chăn nuôi tốt, người chăn nuôi sẽ phải áp dụng đồng bộ các biện pháp từ khâu chuẩn bị chuồng trại, con giống đến sử dụng thức ăn chăn nuôi, vệ sinh thú y, xuất bán, quản lý chất thải, bảo vệ môi trường, ghi chép và lưu trữ hồ sơ chăn nuôi… |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin