Phát triển mạnh hạ tầng kết nối vùng

Minh Quân 10:02, 10/12/2023

Những năm gần đây, kết nối vùng được tỉnh Thái Nguyên đặc biệt quan tâm. Một loạt công trình hạ tầng giao thông, logistics, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng điện… được tỉnh triển khai đầu tư, đến nay đã dần hiện hữu. Sau khi hoàn thành, hệ thống hạ tầng kết nối này sẽ giúp Thái Nguyên thuận tiện trong thu hút đầu tư, mở rộng giao thương, thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế.

Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: Nguyên Ngọc
Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: Nguyên Ngọc

Hiện nay, các dự án, công trình trọng điểm, mang tính liên kết vùng của tỉnh đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ. Dự án Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc có tổng chiều dài 42km, tổng mức đầu tư trên 4,2 nghìn tỷ đồng hiện đã đạt giá trị giải ngân trên 90%.

Dự án đường Vành đai V vùng Thủ đô qua địa bàn tỉnh Thái Nguyên, đoạn tuyến đi trùng Đại lộ Đông - Tây có chiều dài 9,16km đã hoàn thành bàn giao và đưa vào sử dụng. Còn đoạn 12,72km thuộc tuyến Vành đai V dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2024.

Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn cũng được triển khai đảm bảo tiến độ. Cùng với 3 dự án giao thông kết nối quan trọng trên, tỉnh Thái Nguyên cũng đang tiến hành thu hút đầu tư xây dựng Cảng cạn (ICD) theo quy hoạch đã được duyệt.

Không chỉ tập trung phát triển mạnh hạ tầng giao thông kết nối, Thái Nguyên còn chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm cộng nghiệp. Trong thời kỳ 2021-2030, tỉnh được quy hoạch 11 khu công nghiệp (KCN) và 1 khu công nghệ thông tin tập trung với tổng diện tích 4.245ha. Trong đó, 5 KCN đã đi vào hoạt động, thu hút 291 dự án (có 161 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 10,3 tỷ USD và 16,5 nghìn tỷ đồng.

4 KCN được quy hoạch mới, lựa chọn theo các trục giao thông liên kết vùng để thuận tiện thu hút đầu tư trong các ngành, lĩnh vực có khả năng liên kết sản xuất, từ đó hình thành các cụm ngành của vùng như công nghiệp điện tử, cơ khí chế tạo. 4 KCN mới gồm: KCN - đô thị - dịch vụ Tây Phổ Yên; KCN Yên Bình 2, KCN Yên Bình 3, KCN Thượng Đình và 1 Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình đều đã được quy hoạch phân khu xây dựng.

Cũng trong giai đoạn này, tỉnh Thái Nguyên được quy hoạch 41 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích trên 2.000ha. Hiện tại, tỉnh có 11 CCN đã đi vào hoạt động, thu hút 60 dự án đầu tư; có 21 CCN đã có chủ đầu tư hạ tầng, đang triển khai xây dựng với tổng vốn đăng ký trên 5,7 nghìn tỷ đồng.

Để đáp ứng nhu cầu điện cung ứng cho sản xuất, kinh doanh, phục vụ phát triển, tỉnh Thái Nguyên đã hợp tác chặt chẽ với Tổng Công ty Điện lực miền Bắc để triển khai một số dự án điện trọng điểm gồm: Dự án đường dây 110kV từ Trạm biến áp (TBA) Yên Bình 1; các dự án Đường dây và TBA 110kV tại Đa Phúc, Gia Sàng, Định Hóa, Yên Bình 8 và một số dự án cải tạo, nâng cấp lưới điện khác... Trong đó có 2 dự án đường dây, TBA 110kV đã được hoàn thành, vận hành hiệu quả. Thời gian tới, tiếp tục có thêm dự án Đường dây và TBA 110kV Núi Cốc được đầu tư xây dựng...

Như vậy, có thể thấy mức độ đầu tư và tiến độ triển khai các dự án kết cấu hạ tầng kết nối vùng được tỉnh Thái Nguyên thực hiện đồng bộ, quyết liệt, kịp thời và với tầm nhìn dài hạn. Chắc chắn thời gian tới sẽ mở ra nhiều cơ hội và lực đẩy cho kinh tế không chỉ của tỉnh Thái Nguyên mà cả các tỉnh lân cận cùng phát triển mạnh mẽ.