Cú lội ngược dòng ngoạn mục của xuất khẩu

Theo nhandan.vn 10:47, 10/01/2024

Vượt qua nhiều khó khăn từ bối cảnh vĩ mô kém thuận lợi, tổng cầu thế giới sụt giảm khiến hoạt động thương mại chịu ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam bắt đầu xuất hiện tín hiệu phục hồi tích cực từ các tháng cuối năm 2023.

Xuất khẩu cá tra dự báo sẽ phục hồi trong năm 2024 do lượng hàng tồn kho giảm. Ảnh: thanhnien.vn
Xuất khẩu cá tra dự báo sẽ phục hồi trong năm 2024 do lượng hàng tồn kho giảm. Ảnh: thanhnien.vn

Dự báo hoạt động xuất nhập khẩu năm 2024 vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định, đòi hỏi chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để duy trì đà phục hồi xuất khẩu, tăng khoảng 6% so với năm 2023.

Là nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam không thể tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của các biến động từ bên ngoài. Ðây là một trong những nguyên nhân chính tiếp tục tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô, triển vọng tăng trưởng chung của nền kinh tế cũng như đà phục hồi của xuất khẩu trong thời gian tới.

Dần lấy lại đà tăng

Theo đánh giá của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thương mại toàn cầu suy giảm, chỉ tăng 0,8%, giảm một nửa so với mức dự báo 1,7% của WTO dịp đầu năm do phải đối mặt với tình hình căng thẳng địa chính trị và kinh tế trên thế giới; giá nguyên liệu đầu vào, năng lượng và logistics toàn cầu tăng cao; tình hình lạm phát ở nhiều nước tuy đã giảm nhưng vẫn "neo" ở mức cao, dẫn tới xu hướng tiết kiệm chi tiêu, mua sắm tại một số thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, EU, khiến nhu cầu nhập khẩu giảm.

Bên cạnh đó, chính sách bảo hộ thương mại, cạnh tranh về giá giữa các nước xuất khẩu có cùng mặt hàng gia tăng, trong khi các nước nhập khẩu lớn cũng liên tiếp dựng lên nhiều rào cản kỹ thuật, tạo sức ép mới cho hàng xuất khẩu, tác động rất bất lợi đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam ngay từ những tháng đầu năm.

Hết quý I/2023, xuất khẩu ghi nhận giảm 11,8% so cùng kỳ, trong đó khu vực doanh nghiệp trong nước giảm mạnh hơn (giảm 17,4%) so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (giảm 10%). Nhưng từ cuối quý II/2023 đã xuất hiện những tín hiệu phục hồi khi xuất khẩu tháng sau cao hơn tháng trước (tháng 5/2023 tăng 4,3% so tháng trước; tháng 6 tăng 4,5%; tháng 7 tăng 0,8%, tháng 9 tăng 9%). Ðến hết năm, mức giảm xuất khẩu đã thu hẹp chỉ còn 4,4% so với năm 2022.

Ðáng chú ý, nếu so với sự sụt giảm xuất khẩu của các nước trong khu vực, xuất khẩu của nước ta cơ bản phục hồi tốt. Cụ thể, sau 9 tháng năm 2023, xuất khẩu của Malaysia giảm 11,7%; Indonesia giảm 12,3%; Singapore giảm 10,8%; Thái Lan và Philippines giảm 3,8% và 6,5%; Hàn Quốc giảm 11,5%, Nhật Bản giảm 5% và Trung Quốc giảm 5,7% so với cùng kỳ. Mặc dù vậy, khu vực kinh tế trong nước cũng nỗ lực duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn. Mức giảm xuất khẩu của khu vực này trong năm 2023 (ước giảm 0,9%) thấp hơn nhiều so với mức giảm của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (ước giảm 5,9%) cũng như thấp hơn với mức giảm chung của cả nước.

Theo Bộ Công thương, kết quả này có được một phần do chúng ta đã thực hiện tốt chiến lược đa dạng hóa thị trường trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường lớn đều sụt giảm. Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường nhỏ như châu Phi, Ðông Âu, Bắc Âu, Tây Á đều ghi nhận mức tăng tốt.

Ngoài ra, việc điều hành, khai thông hiệu quả hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc, hàng hóa cơ bản không bị ách tắc, kể cả lúc cao điểm thời vụ đã góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này. Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lớn duy nhất của Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương 8,1% trong cả năm 2023 trong khi các thị trường lớn khác như Mỹ, EU đều giảm.

Dấu ấn đáng ghi nhận khác trong bức tranh xuất nhập khẩu năm nay chính là cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu năm thứ tám liên tiếp với mức thặng dư ước đạt 28 tỷ USD, tăng gần gấp ba lần năm 2022, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Vụ trưởng Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Việt Phong phân tích: Con số xuất siêu hàng hóa 28 tỷ USD thực chất là do tăng trưởng nhập khẩu thấp hơn tăng trưởng xuất khẩu (-8,9% so với -4,4%). Tuy nhiên, tín hiệu tích cực cũng đến từ nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam khi tốc độ tăng trưởng trong quý IV/2023 đạt dương ở cả khu vực trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài sau ba quý trước liên tiếp giảm sâu, đạt cao nhất vào tháng 12. Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu tháng 12/2023 tăng 12,3% so cùng kỳ; trong đó, khu vực trong nước tăng 7,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 15,1%.

Một số nhóm nguyên nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất cũng có tín hiệu tăng trưởng khá tốt trong tháng 12, như: Sợi dệt tăng 24%; vải tăng 16,5%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép tăng 33,6%. Từ những tín hiệu tích cực của xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa nêu trên, có thể kỳ vọng nhu cầu thế giới đang có dấu hiệu hồi phục, doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu có xu hướng nhập khẩu nhiều hơn, từ đó tạo đà cho xuất khẩu tăng trưởng khá trong đầu năm 2024.

Giá trị xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2023 ước đạt 27,1 tỷ USD, đứng thứ 1/14 tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Trong ảnh: Xuất khẩu gỗ công nghiệp tại Công ty TNHH Dongwha Việt Nam (Khu công nghiệp Sông Công II).
Giá trị xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2023 ước đạt 27,1 tỷ USD, đứng thứ 1/14 tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Trong ảnh: Xuất khẩu gỗ công nghiệp tại Công ty TNHH Dongwha Việt Nam (Khu công nghiệp Sông Công II).

Vẫn còn nhiều thách thức phía trước

Bước sang năm 2024, bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đã có nhiều yếu tố tích cực hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra những thông điệp ngừng tăng lãi suất và tiến tới xem xét giảm lãi suất trong năm 2024; vấn đề hàng tồn kho cao tại Mỹ cũng đang dần được khắc phục.

Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) dự báo hoạt động xuất nhập khẩu năm 2024 vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định. Ðó là xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn, các nước triển khai nhiều biện pháp đưa đầu tư về trong nước, dựng nên các rào cản thương mại để bảo vệ, thúc đẩy sản xuất trong nước. Các thị trường phát triển như Mỹ, EU ngày càng chú trọng đến phát triển bền vững, đã và đang đưa ra nhiều quy định mới như Cơ chế điều chỉnh carbon, Quy định chống phá rừng châu Âu,... có tác động đến một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta.

Nhìn chung, áp lực bên ngoài đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024 sẽ đến từ một số kênh như: Kênh thương mại quốc tế khi nhiều nền kinh tế là đối tác lớn của Việt Nam tăng trưởng chậm, dẫn đến tổng cầu khó phục hồi mạnh, từ đó tác động đến kết quả xuất khẩu; kênh tài chính tiền tệ với áp lực mất giá đồng nội tệ so với đồng USD, tuy thuận lợi phần nào cho xuất khẩu nhưng sẽ khiến chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao và làm tăng quy mô thanh toán của các khoản nợ nước ngoài;...

Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế trong nội tại như còn phụ thuộc lớn vào khu vực FDI (chiếm khoảng 73% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước); giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa được như kỳ vọng; kim ngạch xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm mặc dù mức suy giảm đang dần được thu hẹp;...

Vì vậy, để đạt được mục tiêu phục hồi xuất khẩu, tăng khoảng 6% so với năm 2023, Cục Xuất nhập khẩu sẽ tập trung triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các FTA; tăng cường các hoạt động cung cấp thông tin thị trường trên nền tảng số để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các rào cản thương mại mới tại các thị trường nhập khẩu.

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Năm 2024 là năm có ý nghĩa quyết định đến kết quả thực hiện các mục tiêu kế hoạch 5 năm (2021-2025) trong bối cảnh được dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được giao, Bộ Công thương sẽ tập trung đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; chủ động tham mưu khai thác các cơ hội từ quan hệ đối ngoại với các nước lớn để đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư các ngành trọng điểm sang nước thứ 3 của các tập đoàn đa quốc gia, nhất là những lĩnh vực nước ta đang có nhu cầu và lợi thế như: Công nghiệp điện tử, hạ tầng số, hạ tầng logistics, năng lượng sạch, công nghiệp vật liệu mới, khai thác chế biến khoáng sản quý, chip và chất bán dẫn...

Bộ cũng sẽ tăng cường thực thi hiệu quả các giải pháp kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước nhằm thúc đẩy phát triển kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, đáp ứng yêu cầu tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong công tác hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp khai thác hiệu quả các FTA mà Việt Nam là thành viên để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu; tích cực tham mưu đàm phán, ký kết mới và nâng cấp các FTA với các đối tác còn tiềm năng nhiều ở khu vực Trung Ðông, châu Phi và Nam Mỹ...

Ðồng thời, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững. Bộ cũng chú trọng đổi mới công tác xúc tiến thương mại, kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại, thương mại điện tử, kinh tế số nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa còn nhiều tiềm năng; tăng cường công tác quản lý thị trường và nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng, phù hợp với các cam kết quốc tế...