Cấp điện ổn định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Hồng Tâm 15:50, 09/01/2024

Nhằm đảm bảo cấp điện đủ và ổn định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách về đầu tư, phát triển năng lượng; phối hợp với ngành chức năng thực hiện đồng bộ các giải pháp đầu tư hạ tầng điện phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Các đại biểu tham quan khu vực vận hành của TBA 110kV Định Hóa.
Các đại biểu tham quan khu vực vận hành của TBA 110kV Định Hóa.

Hạ tầng điện đi trước

Giai đoạn 2016-2020, lượng điện thương phẩm trên toàn tỉnh tăng trưởng bình quân 8,8%/năm. Còn trong năm 2023, điện thương phẩm trên địa bàn đạt gần 5,8 tỷ kWh, tăng 7,4% so với năm 2022. Trong đó, thành phần điện phục vụ công nghiệp - xây dựng chiếm 75%; quản lý tiêu dùng 20%, còn lại là thương nghiệp - dịch vụ.

Về cơ bản, hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh đảm bảo nhu cầu phụ tải, cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Theo đó, tổng công suất các nguồn điện đạt khoảng 240MW. Tỉnh có 3 trạm biến áp (TBA) 220kV (gồm: Phú Bình, Thái Nguyên, Lưu Xá) và 19 TBA 110kV. Hệ thống lưới điện truyền tải được đầu tư, "phủ kín" tới các khu vực; các dự án phát triển điện nông thôn được triển khai tích cực. 100% thôn, xóm, xã vùng dân tộc thiểu số đã có điện lưới quốc gia; 100% xã đạt tiêu chí về điện.

Những năm gần đây, ngành Điện đã hoàn thành một số công trình lưới điện 220kV, như: Cải tạo đường dây 220kV Thái Nguyên - Bắc Giang; lắp máy biến áp thứ hai TBA 220kV Lưu Xá... Hiện nay, Tổng Công ty truyền tải điện Quốc gia đang triển khai đầu tư xây dựng một số công trình lưới điện truyền tải trên địa bàn tỉnh như: TBA 500kV Thái Nguyên; đường dây 500kV Hiệp Hòa - Thái Nguyên; TBA 220kV Phú Bình 2 và đường dây 220kV đấu nối chuyển tiếp vào đường dây 220kV Thái Nguyên - Bắc Giang; đường dây 220kV Phú Bình 2 - TBA 500kV Thái Nguyên… 

Ngoài ra, trong giai đoạn 2021-2023, Công ty Điện lực Thái Nguyên cũng thực hiện 66 dự án hạ tầng điện với tổng mức đầu tư trên 1.500 tỷ đồng (bao gồm xây dựng mới và cải tạo 25,1km đường dây cao thế; 281,1km đường dây trung thế; 188 máy biến áp và hơn 271km đường dây hạ thế). 

Tập trung thực hiện các công trình trọng điểm

Trong Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thái Nguyên được quy hoạch 12 khu công nghiệp tập trung và 41 cụm công nghiệp. Kéo theo đó, nhu cầu sử dụng điện cũng tăng cao. Theo đó, nhu cầu phụ tải điện đến năm 2025 của tỉnh là 1.380MW và năm 2030 là 2.030MW.

TBA Đa Phúc có tổng mức đầu tư trên 76 tỷ đồng vừa được hoàn thành và tổ chức đóng điện thành công.
TBA Đa Phúc có tổng mức đầu tư trên 76 tỷ đồng vừa được hoàn thành và tổ chức đóng điện thành công.

Để đáp ứng nhu cầu sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn, tháng 8-2023, UBND tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác với Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc. Lộ trình đến năm 2030, tỉnh sẽ có thêm TBA 500kV, 3 TBA 220kV (Phú Bình 2, Đại Từ và Sông Công) và 26 TBA 100kV. Đáng chú ý là dự án TBA 220kV Phú Bình 2 đã được đưa vào quy hoạch điện VIII, tháo gỡ nút thắt về nguồn 110kV cấp điện cho các TBA 110kV, đảm bảo quy hoạch phát triển tổng thể của tỉnh phù hợp với quy hoạch điện.        

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch xây dựng mạng lưới cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên mới đây, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam Đặng Hoàng An đã chỉ đạo các đơn vị thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng lưới điện trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là thi công hoàn thành TBA Phú Bình 2 và đường dây 220kV Phú Bình 2 rẽ Thái Nguyên - Bắc Giang trong tháng 1-2025; xây dựng và hoàn thiện các TBA 110kV đồng bộ với TBA 220kV Phú Bình 2 cho phù hợp với Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tỉnh Thái Nguyên cũng đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam để hoàn thành các thủ tục pháp lý về đầu tư, xây dựng, đất đai và giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ triển khai các dự án trong thời gian sớm nhất. Sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Điện với tỉnh trong việc đầu tư, cải tạo hệ thống điện sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải của hệ thống điện, nâng cao khả năng vận hành an toàn, ổn định để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân...