Xác định hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đại Từ đã có nhiều việc làm thiết thực giúp hội viên nâng cao thu nhập, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, hạnh phúc.
Được Hội LHPN huyện Đại Từ tạo điều kiện vay số vốn 1 tỷ đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, HTX chè Cầu Đá (ở xã Hoàng Nông) đã đầu tư máy móc, mở rộng nhà xưởng sản xuất, chế biến chè. |
Bà Dương Thị Thanh Luyến, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đại Từ cho biết: Với trên 36.000 hội viên, sinh hoạt tại 413 chi hội, chúng tôi luôn xác định mục tiêu trọng tâm là hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho chị em. Hội LHPN huyện đã chỉ đạo các cấp hội phụ nữ cơ sở tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ chủ động tham gia phát triển kinh tế.
Đồng thời, Hội phối hợp với các phòng, ban chuyên môn tổ chức lớp tập huấn về phát triển sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực và kỹ năng bán sản phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Hội cũng phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội và Quỹ TYM tạo điều kiện cho hội viên vay vốn để phát triển kinh tế…
Như chị Trần Thị Huế, ở xóm Cầu Đá, xã Hoàng Nông, khi được Hội LHPN huyện tuyên truyền, hỗ trợ, chị đã mạnh dạn đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) chè Cầu Đá, với 7 thành viên. Chị Huế cho hay: HTX được Hội LHPN huyện tạo điều kiện vay 1 tỷ đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT để đầu tư mua 3 tôn sao chè bằng gas, 40 máy vò chè và mở rộng diện tích xưởng sản xuất lên 500m2. Ngoài ra, chúng tôi còn được cán bộ phòng Nông nghiệp và PTNT huyện hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chế biến chè đảm bảo chất lượng, an toàn.
Nhờ đó đến nay, HTX chè Cầu Đá có thể sản xuất các sản phẩm cao cấp như trà móc câu An Ngọc, Trà tôm nõn Thanh Hương và Trà Đinh Kim Dung. Với giá bán thấp nhất là 300 nghìn đồng/kg và cao nhất từ 3 đến 5 triệu đồng/kg, các sản phẩm của HTX dần được khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến, đặt mua.
Theo thống kê của Hội LHPN huyện Đại Từ, trong năm 2023, Hội đã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện tổ chức 36 lớp tập huấn về quản lý vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho gần 3.500 hội viên, phụ nữ; tư vấn, đào tạo nghề cho 270 lao động nữ; tập huấn, hỗ trợ kiến thức cho 60 hội viên, phụ nữ về thủ tục thành lập các tổ hợp tác, HTX, kỹ năng bán hàng trên sàn thương mại điện tử, xây dựng sản phẩm OCOP; thành lập mới 1 HTX và 24 tổ hợp tác do hội viên phụ nữ quản lý…
Ngoài ra, Hội đang quản lý tổng nguồn vốn gần 730 tỷ đồng, cho 9.059 lượt hội viên phụ nữ vay phát triển kinh tế. Thông qua các hoạt động hỗ trợ, nhiều hội viên có thêm điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Năm 2023, toàn huyện có 120 hộ nghèo, cận nghèo do phụ nữ làm chủ hộ đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định…
Nói về những định hướng trong thời gian tới, bà Dương Thị Thanh Luyến cho biết thêm: Năm 2024, Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch, hỗ trợ hội viên thành lập các mô hình HTX, tổ hợp tác nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hội viên. Đồng thời, tăng cường phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về chuyển đổi số để giúp các HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm.
Hội cũng sẽ tiếp tục là “cầu nối” giúp HTX, tổ hợp tác do hội viên phụ nữ làm chủ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, từng bước giúp chị em vươn lên làm giàu, khẳng định vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin