Liên kết sản xuất, tiêu thụ chè ở Đại Từ: Tăng sức cạnh tranh 

Vi Vân 09:27, 09/01/2024

Nhằm tăng khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật của bà con nhân dân trong sản xuất, chế biến chè, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, huyện Đại Từ đã hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè. Qua đó đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

HTX chè Nhật Thức, xã Phục Linh (Đại Từ) đang liên kết sản xuất, tiêu thụ chè với 68 hộ dân trên địa bàn.
HTX chè Nhật Thức, xã Phục Linh (Đại Từ) đang liên kết sản xuất, tiêu thụ chè với 68 hộ dân trên địa bàn.

Bà Đinh Thị Thu Hương, Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ, cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có gần 6.600ha chè, trong đó diện tích chè giống mới là 5.300ha. Khoảng 3 năm trở lại đây, bên cạnh việc chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ các HTX sản xuất chè theo hướng hữu cơ, VietGAP, đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử…, chúng tôi còn đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trà.

Theo đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp về phân bón hữu cơ, thiết bị (với tổng trị giá trên 4,4 tỷ đồng, được trích từ nguồn ngân sách huyện) để phục vụ sản xuất, chế biến, truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng sản phẩm trà. Ngược lại, đơn vị cũng yêu cầu các HTX, doanh nghiệp không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Khi các HTX, doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật sản xuất, an toàn thực phẩm…, Phòng Nông nghiệp và PTNT sẽ hỗ trợ cấp giấy chứng nhận VietGAP, mã số vùng trồng đối với diện tích chè đảm bảo các tiêu chuẩn, yêu cầu.

Ông Phạm Văn Nguyên, Trưởng làng nghề chè truyền thống xóm Chính Phú 1, xã Phú Xuyên, chia sẻ: Xóm có 26ha chè, trong đó diện tích chè sản xuất theo hướng hữu cơ là 6ha. Tháng 8-2023, 16/31 hộ dân sản xuất chè hữu cơ của xóm đã tham gia liên kết với Công ty CP chè Hà Thái (ở xã Hà Thượng, huyện Đại Từ) để sản xuất, tiêu thụ chè.

Theo đó, Công ty cấp phân bón hữu cơ cho các hộ để thực hiện quy trình chăm sóc chè theo hướng dẫn. Đến kỳ thu hái, Công ty lấy mẫu đất, mẫu nước để kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Với những sản phẩm chè đảm bảo yêu cầu, Công ty đứng ra thu mua toàn bộ cho bà con.

Theo đánh giá, mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất, tiêu thụ chè như trên không những giúp sản phẩm chè của bà con có đầu ra ổn định, mà điều quan trọng là người làm chè sẽ ngày càng nâng cao hơn nữa trách nhiệm, kỹ thuật trong sản xuất, chế biến chè, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Nhờ tham gia chuỗi liên kết, HTX chè La Bằng (Đại Từ) được hỗ trợ máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất.
Nhờ tham gia chuỗi liên kết, HTX chè La Bằng (Đại Từ) được hỗ trợ máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất.

Năm 2023, huyện Đại Từ có thêm 3 HTX được hỗ trợ liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm chè, gồm: HTX chè Tuất Thoi, HTX chè Hoàng Nông và HTX chè Nhật Thức, nâng tổng số chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ chè trên địa bàn huyện lên 11 chuỗi. Với việc tham gia tích cực vào chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, nhiều HTX sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn huyện đã nâng cao hiệu quả hoạt động.

Có thể kể đến một số HTX điển hình như: HTX chè La Bằng (xã La Bằng), HTX chè Nhật Thức (xã Phục Linh), HTX chè Hải Yến (xã Phú Thịnh), HTX chè an toàn Sơn Thành (xã Phú Lạc), HTX chè Phúc Nguyên (xã Văn Yên)...

Bà Nguyễn Thị Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX chè La Bằng, thông tin: Hiện nay, HTX đang liên kết sản xuất với hơn 200 hộ dân ở 6 xóm trong xã (gồm: Non Bẹo, La Cút, Đồng Tiến, Rừng Vần, Tân Sơn và Đồng Đình). Việc liên kết này mang lại rất nhiều lợi ích, trong đó HTX quản lý được quy trình chăm sóc, thu hái chè của các hộ để cho ra thị trường những sản phẩm trà đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, do liên kết với các hộ dân nên HTX luôn chủ động được nguồn nguyên liệu, không bị động trước những đơn hàng lớn…

Thông qua việc liên kết, các HTX đã và đang tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều người dân trên địa bàn. Bà con tham gia mô hình liên kết được tập huấn nâng cao kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất chè an toàn. Cùng với đó, vùng chè còn được tạo môi trường trong lành, kết hợp phát triển du lịch sinh thái, góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp của huyện, sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn cho người sử dụng.

Vùng chè Hoàng Nông (Đại Từ). Ảnh: C.T.V
Vùng chè Hoàng Nông (Đại Từ). Ảnh: C.T.V

Thực hiện mô hình liên kết theo chuỗi, năm 2023, huyện Đại Từ có thêm 200ha chè được cấp chứng nhận VietGAP, nâng diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn này lên 1.836/6.598ha (chiếm gần 28%). Bên cạnh đó, địa phương cũng phối hợp với một số đơn vị của tỉnh thực hiện chuyển đổi diện tích chè hữu cơ năm thứ nhất với 30ha tại các xã: La Bằng, Phú Xuyên, Phú Thịnh và Phục Linh. Đồng thời, triển khai cấp mã số vùng trồng đối với 37,3ha chè của 10 HTX; hỗ trợ 5 HTX chè (Nhật Thức, Phúc Nguyên, Hải Yến, Sơn Thành và Quang Minh) triển khai việc tư vấn, đánh giá để được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO 22000/HACCP...

Từ việc liên kết theo chuỗi trong sản xuất, chế biến, năm 2023, huyện Đại Từ có thêm 8 sản phẩm chè được công nhận đạt OCOP 3 sao, nâng tổng số sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn này lên 22 sản phẩm (trong đó có 7 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 15 sản phẩm đạt OCOP 3 sao). Kết quả này góp phần tăng sức cạnh tranh của sản phẩm chè Đại Từ trên thị trường.