Về xã Bản Ngoại (Đại Từ) nhắc đến ông Nguyễn Duy Hòa ở xóm Đồng Ninh, từ cán bộ đến người dân ai cũng kính trọng, nể phục. Ở tuổi 70, nhiều người đã nghỉ ngơi, an nhàn tuổi già với con cháu, ông Hòa vẫn hăng say phát triển kinh tế với mô hình trồng cây ăn quả, nuôi bò Laisind.
Với 3ha cam, mỗi năm gia đình ông Nguyễn Duy Hòa thu khoảng 30 tấn quả, lãi hàng trăm triệu đồng. |
Từ ngôi nhà ông Hòa, nhìn ra phía trước là một dải đồi thoai thoải, trải dài theo cánh đồng xóm Đồng Ninh. Trên đồi, ông trồng cây ăn quả các loại, trong đó số lượng nhiều là cam. Trời đã trưa nhưng ông vẫn đi khắp đồi, đến từng gốc cam để kiểm tra tình hình sâu bệnh. Nhìn đôi chân thoăn thoắt, đôi tay cắt tỉa cành, bắt sâu chuyên nghiệp, chúng tôi hiểu làm vườn không chỉ mang lại nguồn lợi kinh tế mà còn giúp ông có một sức khoẻ dẻo dai, một tâm hồn tĩnh tại.
Ngắm vườn cam vừa mới cho thu hoạch, ông Hòa chia sẻ: Ban đầu tôi cũng chỉ có diện tích đất nhỏ được chia lại từ hợp tác xã cách đây vài chục năm. Yêu đất, mê làm vườn, tôi tích cóp mua dần, đến nay đã có 4ha đất ruộng, đồi. Trước đây, do không có kiến thức, tôi chỉ biết trồng keo, chè trung du, có khi để cỏ dại mọc nên hiệu quả kinh tế thấp. Qua xem ti vi và tham quan ở Hòa Bình, thấy những vườn cam trĩu quả cho hiệu quả kinh tế cao, tôi đã ấp ủ ý định phát triển giống cam này tại vườn nhà.
Năm 2015, ông lặn lội về Hưng Yên để mua 1.300 gốc cam Vinh, cam canh về trồng; thuê máy múc, san gạt toàn bộ diện tích; xây dựng bể chứa nước đỉnh đồi và hệ thống ống dẫn nước tưới để thuận lợi cho việc tưới tiêu, chăm sóc cam.
Là người đầu tiên đưa giống cây ăn quả mới về trồng nên ban đầu ông cũng khá chật vật trong kỹ thuật chăm sóc, nhưng ông luôn kiên trì học hỏi, vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm. Sau 4 năm, vườn cam mới bói quả, bắt đầu cho thu hái, tuy nhiên năng suất thấp, thu nhập không đáng là bao.
Đến nay, sau nhiều năm tích luỹ kinh nghiệm, với quy trình chăm sóc hợp lý nên vườn cam của gia đình ông Hòa luôn trĩu quả, có vị ngọt và mọng nước, được thương lái tìm đến mua. Để cây cam phát triển và năng suất cao, chất lượng quả ngon, theo ông Hòa phải chăm sóc công phu, áp dụng quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt. Trong đó yếu tố quan trọng nhất để cây ra hoa như mong muốn là theo dõi diễn biến thời tiết và thời điểm chăm sóc.
Bình thường, một vụ quả ông bón phân 4 lần vào thời điểm sau khi thu hoạch, cắt tỉa cành, bón đón hoa, bón đón quả và bón kali tạo ngọt cho quả. Để đảm bảo quả cam sạch và an toàn, vài năm nay, thay vì dùng phân hóa học và thuốc trừ sâu ông chuyển sang ủ phân hữu cơ và phun bằng chế phẩm sinh học, hỗn hợp tỏi, ớt, rượu, riềng.
Về nguồn phân, ông chủ động được 70% nhờ mô hình khép kín trồng cam - nuôi bò. Theo đó, toàn bộ cỏ mọc trên đồi cam, ông sẽ dùng máy cắt về cho bò ăn kết hợp với 1 mẫu cỏ voi để nuôi từ 5-10 con bò Laisind. Phân bò ông lại mang ủ mục cùng lá cây và các phế phẩm khác để bón cho cây.
Dẫn chúng tôi thăm vườn cam rộng mênh mông, ông Hòa phấn khởi nói: Vụ cam này, tôi thu được trên 30 tấn quả, lãi hơn 300 triệu đồng.
Theo ông, dù giá có giảm khoảng 10.000 đồng/kg so với vụ trước nhưng so với các cây trồng khác, cam vẫn mang lại hiệu quả kinh tế hơn. Ngoài cam, ông cũng trồng hàng trăm gốc bưởi, ổi, chanh và 1ha chè, ruộng, nuôi cá, ba ba. Riêng bưởi, 2 năm nay không mang lại hiệu quả kinh tế, ông chặt cành, chuyển sang ghép giống cam Vinh, cam canh.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Bản Ngoại Nông Văn Lợi cho biết: Ông Hòa là một trong những nông đi đầu trong phát triển mô hình trồng cây ăn quả mang lại thu nhập cao ở xã. Ông luôn chịu khó, tâm huyết với mô hình trồng cam. Ngoài năng động phát triển kinh tế, ông còn nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật cho người dân có nhu cầu học hỏi phát triển giống cam này tại địa phương. Với nỗ lực đó, ông đã được UBND tỉnh khen thưởng là “Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi” năm 2021 và gương “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi” năm 2023.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin