Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể

Hoàng Cường 16:18, 02/02/2024

Với chủ đề "Hoàn thiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 - Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, HTX trong giai đoạn mới”, ngày 2-2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn kinh tế hợp tác, HTX năm 2024 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX đồng chủ trì Diễn đàn. Tham dự có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện một số cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên.

Tham dự tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện một số sở, ban, ngành, doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh.  

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX đã được Đảng và Nhà nước triển khai kịp thời, đa dạng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho các thành viên, người lao động. Tuy nhiên, các chính sách còn dàn trải, phân tán, chủ yếu là lồng ghép, thiếu tập trung, chưa thống nhất, thiếu nguồn lực hoặc không khả thi.

Thủ tướng mong muốn các đại biểu hiến kế, các giải pháp đột phá nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thu hút nguồn lực xã hội; tăng cường liên kết giữa các thành viên tham gia kinh tế tập thể, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa công và tư… để khu vực kinh tế tập thể, HTX thay đổi cơ bản, mạnh mẽ phương thức sản xuất, kinh doanh, đáp ứng đòi hỏi của tình hình phát triển mới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các bộ, ban, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, nhất là việc ban hành sớm các văn bản hướng dẫn thi hành Luật HTX năm 2023 nhằm bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ...

Để nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị sản phẩm chè, HTX chè Nhật Thức, ở xã Phục Linh (Đại Từ) đang liên kết sản xuất, tiêu thụ chè với 68 hộ dân trên địa bàn. Ảnh: T.L
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị sản phẩm chè, HTX chè Nhật Thức, ở xã Phục Linh (Đại Từ) đang liên kết sản xuất, tiêu thụ chè với 68 hộ dân trên địa bàn. Ảnh: T.L

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận, đề xuất nhiều ý kiến, kiến nghị để nâng cao hiệu quả việc triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, như: Các bộ, ban, ngành cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách trong thực hiện Luật HTX năm 2023 vừa được Quốc hội thông qua và Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; bổ sung đối tượng HTX tham gia các chương trình, đề án, nhiệm vụ trọng điểm trong các chương trình quốc gia; các cấp ủy, chính quyền địa phương chủ động xây dựng kế hoạch ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật HTX năm 2023...

Tính đến ngày 31/12/2022, cả nước có 29.378 HTX, 125 liên hiệp HTX, tăng tương ứng 7% và 17% so với năm 2021. Doanh thu bình quân của các HTX đạt 3,5 tỷ đồng/năm, tăng 35% so với năm 2021.

Đối với Thái Nguyên, tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 760 HTX; doanh thu của các HTX đạt trên 3.150 tỷ đồng (tăng hơn 10% so với năm 2022); các HTX giải quyết việc làm ổn định cho trên 42.500 thành viên và người lao động, với mức thu nhập từ 4-6 triệu đồng/người/tháng...