Quy hoạch có vai trò rất quan trọng trong phát triển, là một trong những động lực cho tăng trưởng. Quy hoạch luôn phải đi trước một bước, tạo tiền đề xây dựng kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nhằm đáp ứng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) bền vững. Nhận thức rõ điều này, Thái Nguyên là một trong những địa phương tiên phong của cả nước triển khai và được phê duyệt Quy hoạch tỉnh.
Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định một trong những đột phá là phát triển cơ sở hạ tầng khu vực phía Nam. Trong ảnh: Khu công nghiệp Điềm Thụy được đầu tư hạ tầng đồng bộ. |
“Người công binh mở đường”
Ví công tác quy hoạch như “người công binh mở đường”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, nếu mở đường thắng lợi thì cuộc chiến sẽ thắng lợi, còn nếu chúng ta làm không tốt sẽ dẫn đến sự thất bại, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của đất nước. Việc xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch có tầm quan trọng chiến lược, là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, là cơ hội bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển của quốc gia để đạt mục tiêu, khát vọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Với tư duy và tầm nhìn mới, tháng 4-2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị công bố và triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là lần đầu tiên Quy hoạch tổng thể quốc gia được xây dựng (trước đó chỉ có chiến lược phát triển KT-XH của cả nước), vừa mang tính tổng thể, vừa mang tính chiến lược và bao trùm mọi lĩnh vực.
Quy hoạch là căn cứ pháp lý, công cụ quan trọng giúp Nhà nước hoạch định, kiến tạo động lực, không gian phát triển, bảo đảm tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch cấp Quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước; đẩy nhanh việc thực hiện đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng; đồng thời loại bỏ các quy hoạch chồng chéo, cản trở phát triển, gây khó khăn cho việc huy động các nguồn lực của doanh nghiệp và người dân, phát huy tối đa các nguồn lực trong hoạt động đầu tư và phát triển của cả đất nước, của từng vùng và từng địa phương với tầm nhìn dài hạn, tổng thể.
Đáng chú ý, Quy hoạch tổng thể quốc gia đã xác định rõ mô hình phát triển theo không gian lãnh thổ mang tính đồng bộ, thống nhất cao; quan điểm phát triển có trọng tâm, đảm bảo liên kết vùng, sử dụng hiệu quả tài nguyên; hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia...
Thái Nguyên sớm thực hiện quy hoạch
Dựa trên quan điểm chỉ đạo của Đảng và các văn bản quy phạm pháp luật, Thái Nguyên đã khẩn trương triển khai thực hiện, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác lập quy hoạch. Ngày 14/3/2023, Thái Nguyên trở thành tỉnh thứ 5 trong cả nước, thứ 2 ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ (sau Bắc Giang) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tổ chức không gian trong Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. |
Ông Hà Văn Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhấn mạnh: Lần đầu tiên thực hiện Quy hoạch tỉnh, đòi hỏi tích hợp các quy hoạch ngành, lĩnh vực riêng rẽ nên cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương, sự tham vấn, thẩm định của các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh giáp ranh. Với chiến lược phát triển toàn diện và có trọng điểm, Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên là nền tảng để kiến tạo cơ hội, đưa kinh tế tỉnh tăng tốc, nhất là trong thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng.
PGS.TS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, đánh giá: Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên lựa chọn mô hình phù hợp là phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả cao và bền vững, toàn diện về mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, quốc phòng - an ninh; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại.
Ngay sau khi Quy hoạch được phê duyệt, UBND tỉnh đã tích cực triển khai các bước để quản lý quy hoạch và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ban, ngành, địa phương tổ chức thực hiện gắn với các nhiệm vụ phát triển KT-XH trên địa bàn.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 3 huyện được phê duyệt quy hoạch vùng huyện (Định Hóa, Đại Từ và Phú Bình); 6 huyện, thành phố được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030; lập, điều chỉnh quy hoạch chung TP. Thái Nguyên, TP. Sông Công và TP. Phổ Yên.
Tỉnh cũng phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đối với 4 khu công nghiệp mới trong quy hoạch là Yên Bình 2, Yên Bình 3, Thượng Đình và Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Tây Phổ Yên, cùng Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình.
Có thể thấy, việc triển khai thực hiện sớm và tầm nhìn quy hoạch dài hạn, tổng thể đã giúp tỉnh Thái Nguyên định vị rõ những giá trị, cơ hội, cùng thách thức để kiến tạo động lực phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; góp phần xây dựng địa phương bình yên, hạnh phúc, sung túc, thân thiện, trở thành một trong những tỉnh phát triển ở miền Bắc.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin