Làm giàu từ ươm cây giống

Mai An 07:41, 28/03/2024

Nhiều năm nay, vườn ươm giống cây lâm nghiệp của gia đình anh Lê Xuân Thủy và chị Lương Hoài Thu (ở xóm Tân Sơn, xã Cúc Đường, Võ Nhai) trở thành địa chỉ quen thuộc, uy tín của nhiều hộ trồng rừng ở địa phương. Với tinh thần ham học hỏi và dám nghĩ, dám làm, cặp vợ chồng trẻ này đã xây dựng được một cơ ngơi khá.

Vợ chồng anh Lê Xuân Thủy chuẩn bị cây giống để giao cho khách hàng.
Vợ chồng anh Lê Xuân Thủy chuẩn bị cây giống để giao cho khách hàng.

Sinh ra ở xã Hóa Trung (Đồng Hỷ), một trong những địa phương có nghề ươm cây giống lâm nghiệp phát triển mạnh, sau khi lấy vợ rồi định cư tại xóm Tân Sơn, anh Lê Xuân Thủy quyết định gắn bó với nghề rừng. Vợ chồng anh Thủy bắt đầu bằng việc chọn nghề ươm giống cây lâm nghiệp để phát triển.

Anh Thủy nói: Trước năm 2016, trên địa bàn huyện Võ Nhai có rất ít vườn ươm giống cây lâm nghiệp. Đa phần bà con phải mua cây giống ở huyện Đồng Hỷ và tỉnh Phú Thọ, đi lại vất vả, chi phí bị “đội” lên nhiều, có lúc cây giống lại không đảm bảo chất lượng. Vì vậy tôi nghĩ ngay đến việc đầu tư vườn ươm.

Vợ chồng anh Thủy dành nhiều thời gian theo học kinh nghiệm tại các vườn ươm giống cây lâm nghiệp, rồi thuê máy san ủi đất đồi để tạo mặt bằng. Chị Thu chia sẻ: Khi mới bắt tay vào làm, chúng tôi gặp khó khăn do chưa có nhiều kinh nghiệm ứng phó với tình hình thời tiết, sâu bệnh và bảo quản giống, nên gần 1/3 số cây bị chết. Không nản chí, hai vợ chồng tiếp tục học hỏi từ sách, báo và tham gia các lớp tập huấn. Trong khi làm, chỗ nào thấy không hợp lý, tôi gọi điện thoại cho chủ vườn đã dạy nghề cho mình hoặc mang cây xuống tận nơi để hỏi.

Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, anh chị dần nắm vững quy trình sản xuất các loại cây giống và mở rộng vườn ươm về cả quy mô lẫn số lượng cây. Hiện nay, anh Thủy và chị Thu đang có vườn ươm rộng hơn 4 sào, với tổng số 50 vạn cây giống các loại: keo tai tượng, keo hom, bạch đàn mô, bồ đề. Trong đó bạch đàn mô và bồ đề là 2 loại giống cây mới, ít vườn ươm ở địa phương có.

Anh Thủy cho hay: Khác với giống bạch đàn cũ có chu kỳ khai thác lên đến 10 năm, bạch đàn mô có thể cho khai thác sau 4-5 năm. Cây có bộ rễ khỏe, bám đất mạnh, sinh trưởng, phát triển tốt hơn hẳn so với bạch đàn trồng hạt nên được người dân ưa chuộng và chọn trồng nhiều trong vài năm trở lại đây. Còn cây bồ đề cũng có giá cao hơn hẳn so với loại cây giống khác nên năm nay tôi cũng ươm hơn 3 vạn cây.

Ông Lý Hoàng Biên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cúc Đường, đánh giá: Với quy mô phát triển như vậy, vườn ươm của gia đình anh Thủy là một trong 2 vườn ươm ở 6 xã phía Bắc của huyện Võ Nhai (gồm: Cúc Đường, Vũ Chấn, Nghinh Tường, Sảng Mộc, Thượng Nung, Thần Sa) và được khách hàng tin tưởng; ngoài ra còn có một số khách hàng ở huyện Đồng Hỷ và huyện Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn).

Một trong những yếu tố giúp vườn ươm của anh chị có sức cạnh tranh trên thị trường là cây giống luôn tốt, đảm bảo tỷ lệ cây sống cao. Với 2 vụ ươm cây giống mỗi năm, không chỉ làm giàu cho gia đình, anh chị còn tạo việc làm thời vụ cho cho 6-8 lao động địa phương. Ngoài ra, anh chị còn hướng dẫn kỹ thuật, giúp nhiều hộ trồng rừng hiệu quả, vươn lên phát triển kinh tế.

Bên cạnh ươm giống cây lâm nghiệp, vợ chồng anh Thủy còn trồng thêm hơn 10ha rừng keo, bạch đàn mô và làm dịch vụ cho thuê loa đài sự kiện. Trung bình mỗi năm, gia đình thu lãi gần 200 triệu đồng.



Thế giới Cây và hoa Việt Nam