Chủ động nguồn cây giống trồng rừng

Vũ Công 17:34, 20/01/2024

Cây giống là yếu tố quan trọng, quyết định đến năng suất, chất lượng của rừng trồng. Thời gian qua, các vườn ươm trên địa bàn tỉnh đặc biệt chú trọng đến từng khâu trong quá trình gieo ươm cây giống, để cung cấp ra thị trường những giống cây đảm bảo chất lượng.

Vườn ươm cây giống Út Hồng, ở tổ dân phố Ấp Thái, thị trấn Hóa Thượng (Đồng Hỷ), thuê thêm lao động để chăm sóc vườn keo giống.
Vườn ươm cây giống Út Hồng, ở tổ dân phố Ấp Thái, thị trấn Hóa Thượng (Đồng Hỷ), thuê thêm lao động để chăm sóc vườn keo giống.

Vườn ươm cây giống Út Hồng của gia đình bà Hà Thị Hồng, ở tổ dân phố Ấp Thái, thị trấn Hóa Thượng (Đồng Hỷ), có diện tích trên 4.000m2. Để phục vụ cho vụ trồng rừng năm 2024, vườn đã ươm trên 100.000 cây keo giống. Bà Hồng cho hay: Cây giống muốn đạt chất lượng tốt thì khâu chọn hạt, cành giống đạt tiêu chuẩn là quan trọng nhất. Chính vì vậy, trong tất cả các vụ, tôi đều lấy giống từ Trung tâm Giống cây trồng thuộc Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên. Bên cạnh đó, các khâu trộn đất, đóng bầu, ươm hạt, chăm sóc cũng được thực hiện theo đúng quy trình, tiêu chuẩn do ngành Lâm nghiệp hướng dẫn. Việc phòng, trừ sâu bệnh cũng được chúng tôi đặc biệt chú trọng từ khi mới gieo ươm đến khi xuất vườn.

Còn tại Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và dịch vụ Yên Đổ, xã Yên Đổ (Phú Lương), những ngày này, các thành viên đang tất bật đóng cây keo non vào bầu để bán cho khách hàng. Hợp tác xã hiện có 18 vườn ươm, với tổng diện tích 1,5ha, mỗi năm sản xuất và cung cấp ra thị trường trên 500.000 cây giống, chủ yếu là các loại giống keo tai tượng, keo Úc, keo Ba Vì.

Ông Ma Văn Thanh, Giám đốc Hợp tác xã, chia sẻ: Từ lúc bắt đầu gieo ươm cây giống đến khi xuất vườn mất khoảng 4 tháng. Trong quá trình đó, các thành viên Hợp tác xã đều thực hiện nghiêm theo đúng quy trình và được cơ quan chức năng kiểm tra, chứng nhận đạt tiêu chuẩn trước khi xuất bán. Thời điểm này đã bắt đầu có thương lái đến vườn thu mua và hiện mức giá của keo giống là 500-800 đồng/cây, không chênh lệch nhiều so với các năm trước.

Đối với Công ty CP Lâm nghiệp Thái Nguyên, đơn vị hiện có tổng diện tích vườn ươm khoảng 8.000m2. Năm nay, Công ty ươm 1 triệu cây giống, chủ yếu là cây keo và bạch đàn. Ngoài phục vụ trồng 300ha rừng sau khai thác của Công ty, số cây giống trên còn cung cấp ra thị trường.

Ông Phạm Huy Bình, Giám đốc Công ty CP Lâm nghiệp Thái Nguyên, nói: Chất lượng cây giống luôn được chúng tôi đặt lên hàng đầu, bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị mà còn ảnh hưởng đến thu nhập của khoảng 700 hộ dân nhận giao khoán trồng rừng với doanh nghiệp. Chính vì thế, chúng tôi luôn kiểm soát khắt khe từ việc lựa chọn nguyên liệu đầu vào như đất để đóng bầu, hạt giống...

Cán bộ Hạt Kiểm lâm Phú Lương kiểm tra một cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp tại xã Động Đạt. Ảnh: T.L
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Phú Lương kiểm tra một cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp tại xã Động Đạt. Ảnh: T.L

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 100 vườn ươm cây giống lâm nghiệp, với số lượng ươm năm 2024 vào khoảng 33 triệu cây giống các loại (tăng khoảng 5 triệu cây so với cùng thời điểm năm 2023). Số lượng cây giống trên không chỉ đảm bảo nhu cầu trồng rừng của tỉnh, mà còn cung cấp cho các tỉnh lân cận, như: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn...

Ông Lê Cẩm Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: Để đảm bảo chất lượng cây giống lâm nghiệp, hằng năm, chúng tôi đều chỉ đạo hạt kiểm lâm các huyện, thành phố thường xuyên phối hợp với chính quyền các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp. Bên cạnh đó, lực lượng Kiểm lâm cũng chủ động kiểm tra quy trình sản xuất, nguồn gốc, chất lượng giống cây lâm nghiệp tại các vườn ươm trên địa bàn. Đợt kiểm tra gần đây nhất cho thấy, các vườn ươm trên địa bàn tỉnh đều thực hiện theo quy trình kỹ thuật, chất lượng cây giống đảm bảo.

Ngoài ra, lực lượng Kiểm lâm cũng đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất - kinh doanh giống cây lâm nghiệp; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trên địa bàn trồng rừng bằng cây giống lâm nghiệp có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng, được mua từ các cơ sở có uy tín.

Ở thời điểm hiện tại, lực lượng Kiểm lâm đang tập trung hướng dẫn bà con phát dọn, xử lý thực bì. Đồng thời phối hợp với UBND các xã, thị trấn chủ động những điều kiện đảm bảo cho trồng rừng, cung ứng đầy đủ giống cây đảm bảo chất lượng.

Theo phản ánh từ các chủ rừng và hộ dân, những năm gần đây, nguồn giống cây lâm nghiệp tương đối dồi dào, không có tình trạng đất “chờ” cây; cơ cấu giống cũng rất đa dạng, phục vụ nhu cầu trồng rừng của các tổ chức, cá nhân.

Do đó, ngay sau khi thu hoạch, người dân có thể khẩn trương thu dọn thực bì, tiếp tục trồng rừng vụ mới. Năm nay, dự kiến ngay sau Tết Nguyên đán, khi trời có mưa Xuân, bà con sẽ bắt đầu trồng rừng.

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu cây giống có chất lượng, đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, thực hiện mục tiêu phát triển rừng bền vững, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân chuẩn bị tốt các điều kiện như: tìm mua cây tại các cơ sở uy tín, đã được công nhận đủ tiêu chuẩn xuất vườn theo quy định, tuyệt đối không mua cây trôi nổi, không có nguồn gốc rõ ràng...

Năm 2024, tỉnh Thái Nguyên có kế hoạch trồng 3.400ha rừng tập trung. Trong đó có 120ha rừng phòng hộ và 3.280ha rừng sản xuất. Tỉnh phấn đấu sản lượng gỗ khai thác (gỗ rừng tập trung và phân tán) đạt 285.000m3; ổn định tỷ lệ che phủ rừng từ 46% trở lên.