Sẵn sàng cây giống trước vụ trồng rừng

Lương Hạnh 08:16, 13/01/2023

Thời điểm này, bà con nhân dân trong tỉnh đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cho trồng rừng vụ xuân năm 2023. Nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, các chủ vườn ươm, doanh nghiệp đang tập trung chăm sóc, đảo bầu để các loại cây giống sinh trưởng, phát triển thuận lợi, khi cung ứng phục vụ trồng rừng đảm bảo chất lượng.

Vườn ươm của gia đình chị Cao Thị Thúy, ở xóm Ấp Thái, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) có khả năng cung cấp ra thị trường 50 vạn cây keo giống.
Vườn ươm của gia đình chị Cao Thị Thúy, ở xóm Ấp Thái, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) có khả năng cung cấp ra thị trường 500 nghìn cây keo giống.

Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên (trụ sở tại phường Chùa Hang, TP. Thái Nguyên) là một trong những đơn vị có uy tín trong sản xuất cây giống trên địa bàn tỉnh. Với diện tích vườn ươm 8.000m2, trung bình mỗi năm, Công ty cung cấp ra thị trường trên 1 triệu cây giống các loại, như: keo mô, keo hom, keo Úc…

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Huy Bình, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên, cho biết: Xác định cây giống có vai trò quan trọng, quyết định đến năng suất, hiệu quả kinh tế của rừng trồng nên Công ty đã chỉ đạo cán bộ kỹ thuật, công nhân tập trung chăm sóc cây giống theo đúng quy trình kỹ thuật. Các khâu từ trộn đất, đóng bầu, tra hạt, tưới nước, đến khâu đảo bầu, vận chuyển… đều được công nhân thực hiện cẩn thận, nhằm đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển thuận lợi.

Thêm nữa, các lô cây giống của Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật, nên được đông đảo khách hàng trong và ngoài tỉnh đến đặt mua. Chuẩn bị gieo ươm từ tháng 9/2022, đến nay, cây giống tại vườn ươm của Công ty đã lên xanh tốt, dự kiến sau Tết Nguyên đán có thể xuất bán ra thị trường.

Tương tự, tại các vườn ươm khác trong tỉnh, bà con cũng đang tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để cây nhanh lớn. Chị Cao Thị Thúy, chủ vườn ươm có địa chỉ ở xóm Ấp Thái, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) chia sẻ: Vườn ươm của tôi có khả năng cung cấp cho bà con khoảng 500 nghìn cây keo hạt và keo hom. Năm nay, mặc dù chi phí sản xuất tăng nhưng giá giá keo giống không có sự thay đổi. Cụ thể, keo hom có giá dao động từ 1.000 đồng đến 1.200 đồng/cây, còn keo tai tượng giống nội từ 600-700 đồng/cây. Hiện nay, chúng tôi đang tiến hành đảo bầu, xếp riêng cây lớn và cây nhỏ để tiện chăm sóc.

Công nhân Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên chăm sóc cây giống.

Bên cạnh các doanh nghiệp, vườn ươm lớn, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 100 vườn ươm của các hộ sản xuất nhỏ lẻ, có khả năng cung cấp ra thị trường khoảng 27 triệu cây giống các loại, gồm: keo tai tượng, mỡ, quế, giổi xanh, lát hoa…

Để đảm bảo chất lượng cây giống, thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã tập trung phổ biến quy định danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính; công nhận giống và nguồn giống cây trồng lâm nghiệp. Cùng với đó, Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn. Qua kiểm tra cho thấy, đa số các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp đã chấp hành đúng quy định của pháp luật; các lô hạt giống đều có hồ sơ, nguồn gốc rõ ràng, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật đưa vào gieo ươm phục vụ trồng rừng.

Ngoài ra, lực lượng Kiểm lâm cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh giống; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trên địa bàn trồng rừng bằng cây giống lâm nghiệp có nguồn gốc, chất lượng, được mua từ các cơ sở có uy tín. Và trong thời điểm này, lực lượng Kiểm lâm đang tập trung hướng dẫn bà con phát dọn, xử lý thực bì. Đồng thời phối hợp với UBND các xã, thị trấn chủ động những điều kiện đảm bảo cho trồng rừng, cung ứng đầy đủ giống cây đảm bảo chất lượng.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, năm 2023, Thái Nguyên có kế hoạch trồng 3.435ha rừng tập trung (giảm 265ha so với kế hoạch năm 2022). Để nâng cao năng suất, hiệu quả rừng trồng, ngành Nông nghiệp khuyến cáo bà con tập trung trồng các loài cây có năng suất, chất lượng cao; khuyến khích sử dụng các giống cây sản xuất bằng mô, hom; kết hợp trồng cây gỗ nhỏ mọc nhanh và cây gỗ lớn dài ngày; chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn ở những nơi có điều kiện thích hợp.

Tính riêng năm 2022, tổng diện tích trồng rừng trên địa bàn tỉnh đạt hơn 4.163ha, vượt 12,5% kế hoạch; cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC được 1.331,9ha/1.400 ha, đạt 95,13% kế hoạch toàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt  649 tỷ đồng, đạt 100,62% so với kế hoạch, tăng 41,3 tỷ đồng so với năm 2021.

Có thể khẳng định, việc tập trung triển khai các giải pháp đảm bảo nguồn giống cây lâm nghiệp sẽ góp phần thực hiện mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân từ trồng rừng sản xuất và duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh từ 46% trở lên.

Thực tế hiện nay, bên cạnh những vườn ươm có đủ tiêu chuẩn theo quy định, trên mạng Internet vẫn còn tình trạng rao bán một số loại cây giống không có nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng. Chính vì vậy, để bảo đảm chất lượng rừng trồng, lực lượng chức năng khuyến cáo các doanh nghiệp, người dân nên tìm đến cơ sở được cấp phép để mua cây giống, tuyệt đối không mua cây trôi nổi, không có nguồn gốc rõ ràng trên thị trường.