Siết chặt quản lý thương mại điện tử

Hạ Liên 08:15, 13/01/2023

Những năm gần đây, đặc biệt là sau hơn 2 năm xuất hiện dịch COVID-19, cùng với hoạt động chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực thì thương mại điện tử (TMĐT) cũng đang trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại, TMĐT cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, cần sự quản lý chuyên nghiệp, sát sao của lực lượng chức năng.

Công chức Đội Quản lý thị trường số 1 rà soát, xác minh chủ các trang bán hàng thương mại điện tử.
Công chức Đội Quản lý thị trường số 1 rà soát, xác minh chủ các trang bán hàng thương mại điện tử.

Chị Nguyễn Thanh Hà, công chức một cơ quan nhà nước, chia sẻ: Do không có nhiều thời gian đi mua sắm trực tiếp nên từ khi sinh cháu thứ 2 (năm 2019), tôi đã bắt đầu học cách “đi chợ” trên điện thoại. Giờ đây, cần mua gì, tôi vào các trang chuyên bán hàng hoặc trang cá nhân của bạn bè, người quen để tìm hiểu từ đồ ăn, thức uống hàng ngày đến thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng, điện tử, điện lạnh…

Tuy vậy, việc mua online rủi ro hơn nhiều so với việc mua trực tiếp, do nhiều sản phẩm có mẫu mã và chất lượng không như quảng cáo. Chính vì thế, giờ đây, chị Hà chỉ chọn mua trên những trang bán hàng của người quen, có uy tín hoặc chỗ nào đồng ý cho khách xem hàng trước khi thanh toán…

Hiện, những người có thói quen mua sắm online như chị Hà ngày càng nhiều, đặc biệt là giới trẻ. Phần vì do tiện lợi, cần gì cũng có; phần vì do tin vào những lời quảng cáo đường mật về các chương trình giảm giá, khuyến mại mà người bán đưa ra…

Theo ông Chu Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh: TMĐT trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển ở các cấp độ và quy mô khác nhau. Việc ứng dụng TMĐT của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đang có sự gia tăng đáng kể. Tuy nhiên, đây cũng đang là môi trường lý tưởng để các đối tượng lợi dụng buôn bán, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm; không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng… ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, các nhà sản xuất chân chính, gây khó khăn trong việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.

Thủ đoạn mà các đối tượng vi phạm thường thực hiện là sử dụng một địa chỉ không liên quan hoặc giả mạo địa chỉ để giao dịch; tập kết, tàng trữ hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau, kết hợp vừa là nơi giao dịch vừa là nơi ở để cất giấu hàng hóa và tổ chức hoạt động bán hàng qua mạng xã hội (Zalo, Facebook, Tiktok…) hoặc qua các sàn thương mại điện tử (Shopee, Tiki…).

Những đối tượng này thường có trình độ về công nghệ thông tin hoặc có đội ngũ kỹ thuật chuyên trách, khiến công tác kiểm tra, xác định vi phạm gặp nhiều khó khăn và mất thời gian. Việc vận chuyển hàng hóa vi phạm đều được các đối tượng thuê qua một đơn vị trung gian, chuyển phát nhanh.

Trước thực tế này, từ cuối năm 2020, với trách nhiệm cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Cục QLTT đã tham mưu cho Trưởng Ban Chỉ đạo ban hành nhiều văn bản về việc tăng cường, quản lý, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong TMĐT, ban hành quy chế phối hợp giữa các ngành thành viên của Ban Chỉ đạo 389. Cục QLTT tỉnh cũng đã thành lập tổ công tác đặc trách về TMĐT do Đội QLTT số 1 (Đội cơ động) chủ trì.

Đội Quản lý thị trường số 5 kiểm tra hàng hóa phục vụ Tết Quý Mão 2023 trên địa bàn huyện Đại Từ.
Đội Quản lý thị trường số 5 kiểm tra hàng hóa phục vụ Tết Quý Mão 2023 trên địa bàn huyện Đại Từ.

Trong năm 2022, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TMĐT, Cục QLTT tỉnh đã tổ chức 3 hội nghị tuyên truyền về các quy định của pháp luật trong kinh doanh TMĐT cho trên 300 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh, đồng thời cho họ ký cam kết thực hiện hoạt động kinh doanh đúng pháp luật và phối hợp cung cấp thông tin về vi phạm trên môi trường TMĐT.

Cùng với đó, Cục QLTT tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, đặc biệt là các phòng nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh như: Phòng Cảnh sát kinh tế; Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, phòng Cảnh sát hình sự… để nắm bắt, xử lý các vụ vi phạm.

Qua kiểm tra, lực lượng QLTT tỉnh đã phát hiện và xử lý trên 100 vụ liên quan đến TMĐT, thu nộp ngân sách nhà nước và trị giá hàng hóa vi phạm gần 1 tỷ đồng.

Riêng đợt cao điểm kiểm tra dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 (từ ngày 16/12/2022 đến ngày 10/1/2023), trong số hơn 100 vụ vi phạm được phát hiện, xử lý, có tới 25 vụ vi phạm trên ứng dụng nền tảng công nghệ số để kinh doanh, buôn bán;  số tiền xử phạt trên 433 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 804 triệu đồng. Các mặt hàng vi phạm chủ yếu gồm: Mỹ phẩm, quần áo, thực phẩm đóng gói sẵn, giày dép…

Tuy nhiên, có thể nói, các vụ việc được phát hiện chỉ như phần nổi của tảng băng chìm, vì trên thực tế vi phạm về TMĐT hiện nay khá phổ biến và công khai. Nguyên nhân được xác định là do việc kiểm soát, định danh tài khoản người bán, cũng như sự phối hợp vào cuộc của cơ quan chức năng chưa thường xuyên, liên tục và chặt chẽ.

Cùng với đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập. Nhận thức và sự hiểu biết của người tiêu dùng còn hạn chế. Không ít người còn có tâm lý thích dùng “hàng hiệu” nhưng giá rẻ .

Để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trong hoạt động TMĐT, Cục QLTT và các cơ quan chức năng đang tiếp tục tăng cường quản lý, thu thập thông tin, giám sát hoạt động kinh doanh để theo dõi tình hình, phương thức hoạt động, kho bãi tập kết hàng hóa của các đối tượng. Kịp thời phát hiện và ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hành chính.

Cùng với đó là đẩy mạnh phối hợp với các ngành, đơn vị (Công an, Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông, thanh tra chuyên ngành, các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp chuyển phát…) trong trao đổi thông tin, cung cấp dữ liệu quản lý, phối hợp rà soát, phân loại website có dấu hiệu vi phạm và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.