Tận dụng lợi thế có quy mô diện tích không lớn, vốn đầu tư hạ tầng vừa phải, phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghệ cao, quản lý môi trường tập trung, những năm qua, Sở Công Thương Thái Nguyên đã tham mưu cho UBND tỉnh phát triển mạnh các cụm công nghiệp (CNN), đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động trong và ngoài tỉnh. Làm gì để tiếp tục thu hút doanh nghiệp vào đầu tư tại các CCN của tỉnh, phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc phỏng vấn đồng chí (đ/c) Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công Thương.
Cụm công nghiệp Bảo Lý - Xuân Phương (Phú Bình) đã được giải phóng xong mặt bằng. Hiện nay, chủ đầu tư là Công ty TNHH Bê tông xây dựng Việt Cường đang tiến hành xây dựng hạ tầng. |
PV: Triển khai Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh), Sở đã có những tham mưu cho UBND tỉnh như thế nào trong việc phát triển các CCN trên địa bàn, thưa đồng chí?
Đ/c Nguyễn Bá Chính: Là cơ quan thường trực trong việc tham mưu công tác quản lý Nhà nước về phát triển CCN trên địa bàn tỉnh, Sở đã chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố rà soát các điều kiện cần thiết để giới thiệu, thu hút các nhà đầu tư quan tâm đăng ký làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN theo Quy hoạch tỉnh. Theo đó, đơn vị đã tham mưu cho tỉnh thu hút thêm 6 dự án xây dựng hạ tầng CCN, gồm các CCN: Hà Châu 1, Hà Châu 2, Lương Phú - Tân Đức, Tân Đức, Quân Chu, Cát Nê - Ký Phú, nâng tổng diện tích CCN có chủ đầu tư hạ tầng lên 1.090ha, tổng vốn đăng ký đầu tư ước đạt 10.217 tỷ đồng. Đa số dự án xây dựng hạ tầng CCN trên địa bàn tỉnh hiện đều trong quá trình giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Đến tháng 4-2024, các dự án CCN đã giải phóng được 535/1.090ha. Hiện, Sở cùng các sở, ngành, UBND các địa phương đang phối hợp và yêu cầu các chủ đầu tư rà soát các công việc còn lại để sớm hoàn thành việc đầu tư hạ tầng, nhanh chóng đưa các CCN đi vào hoạt động.
PV: Để thuận lợi trong thu hút đầu tư vào các CCN, Sở đã có các giải pháp như thế nào trong việc tham mưu từ khi lập quy hoạch đối với các CCN, thưa đồng chí?
Đ/c Nguyễn Bá Chính: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc nghiên cứu xây dựng Phương án phát triển CCN tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, Sở Công Thương đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố rà soát, phân tích, đánh giá hiện trạng, tiềm năng phát triển của từng địa phương, gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các quy hoạch vùng, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn. Trong quá trình xây dựng dự thảo, Sở đã nhiều lần làm việc trực tiếp, tổ chức lấy ý kiến tham gia của UBND các địa phương, các đối tượng chịu tác động của Phương án để xác định lựa chọn vị trí các CCN sao cho thuận lợi về giao thông, gần vùng nguyên liệu, thị trường tiêu thụ, nguồn nhân lực, nhằm thu hút được các nhà đầu tư. Đồng thời, Sở cũng phối hợp chặt chẽ với sở, ngành liên quan trong việc tích hợp Phương án phát triển CCN vào Quy hoạch tỉnh. Theo đó, đến năm 2030, Thái Nguyên được Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch 41 CCN, với tổng diện tích 2.067ha. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng giúp chính quyền, người dân và doanh nghiệp thực hiện hiệu quả theo đúng định hướng Quy hoạch.
PV: Hiện mới có 27 CCN có chủ đầu tư hạ tầng, trong đó 11 CCN đã đi vào hoạt động, thu hút 62 dự án đầu tư. Đồng chí có thể cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ có những giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các CCN?
Đ/c Nguyễn Bá Chính: Sở sẽ tiếp phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương, các chủ đầu tư đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; kiểm tra, đôn đốc việc triển khai hoàn chỉnh đầu tư xây dựng hạ tầng CCN theo tiến độ được phê duyệt; tạo quỹ đất sạch thu hút các dự án đầu tư vào CCN; công khai thông tin quy hoạch, phương án phát triển hạ tầng CCN, tính chất ngành nghề thu hút đầu tư vào các CCN; rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới các quy hoạch khác phù hợp với quy hoạch cấp trên, đảm bảo thống nhất và liên kết giữa các quy hoạch, nhất là giữa quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết và các quy hoạch khác với Quy hoạch tỉnh, tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, Sở cũng tập trung phối hợp với ngành Giao thông - vận tải, Điện lực và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông, điện, nước…; chủ động tham mưu với UBND tỉnh báo cáo và đề nghị Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư hoàn thiện hạ tầng phân phối, truyền tải điện, trọng tâm là xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo các trạm biến áp và đường dây điện 500kV, 220kV và 110kV, các đường dây trung thế, hạ thế nhằm sẵn sàng phục vụ sinh hoạt, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tại các khu, CCN.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin