Doanh nghiệp nhỏ và vừa:
Cần thêm nguồn lực và sự chủ động

Thu Hằng 08:59, 30/05/2023

Sau 2 năm thực hiện Đề án hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, về cơ bản, các mục tiêu đề ra đều đạt được theo tiến độ. Tuy vậy, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần sớm được khắc phục để các DN nhỏ và vừa thực sự có môi trường hoạt động thuận lợi, hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.

Các doanh nghiệp xây dựng cần cơ quan chức năng cập nhật kịp thời về giá nguyên vật liệu, cũng như đảm bảo nguồn cung đất san lấp để hoạt động hiệu quả hơn.
Các doanh nghiệp xây dựng cần được cơ quan chức năng cập nhật kịp thời về giá nguyên vật liệu, cũng như đảm bảo nguồn cung đất san lấp để hoạt động hiệu quả hơn.

Đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Đề án) được HĐND tỉnh khóa XIII thông qua tại Nghị quyết số 09/NQ-HĐND ngày 23/3/2021. Trên tinh thần chỉ đạo, quán triệt của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương đã chủ động triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được phân công; triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, quy định hỗ trợ nhằm giúp các DN nhỏ và vừa hoạt động ổn định, phát triển sản xuất - kinh doanh, vượt qua khó khăn, nhất là sau ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Theo mục tiêu của Đề án, trong giai đoạn 2021-2025, Thái Nguyên sẽ tạo thêm việc làm cho 10.000-12.000 lao động; phấn đấu mỗi năm có trên 800 DN được thành lập mới; thu ngân sách Nhà nước từ khối DN nhỏ và vừa tăng bình quân 10-12%/năm; giá trị xuất khẩu tăng bình quân từ 11%/năm trở lên; phấn đấu đến năm 2025 có 100% DN nhỏ và vừa được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và trên 10% DN số; phấn đấu hỗ trợ 10-20% DN nhỏ và vừa ứng dụng công nghệ số để hình thành DN thông minh, sản phẩm thông minh.

Tính đến cuối tháng 3/2023, các mục tiêu trên đều cơ bản đạt được, một số vượt chỉ tiêu ở mức cao. Cụ thể, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho trên 29.000 lao động; 1.741 DN được thành lập mới; giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng cao (năm 2022 đạt 31 tỷ USD, tăng hơn 6 tỷ USD so với năm 2021); hầu hết các DN nhỏ và vừa được tiếp cận, phổ biến nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số vào quản trị DN, kế toán thuế. Đến nay, Thái Nguyên đã có 324 DN công nghệ số…

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa chưa thực sự phát huy hiệu quả. Trong đó, phải kể đến Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa.

Quỹ ra đời từ năm 2015, nhưng do các điều kiện quy định về bảo lãnh có nhiều bất cập, cùng với đó là vốn điều lệ của Quỹ hiện chưa phù hợp theo quy định nên đến nay, có rất ít DN được bảo lãnh. Còn nếu tính riêng 2 năm gần đây (2021-2022), toàn tỉnh không có DN nào được Quỹ bảo lãnh. Trong khi đó, nhiều DN rất mong muốn được bảo lãnh, nhất là trong giai đoạn sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn, khó tiếp cận trực tiếp với ngân hàng.

Hay như việc triển khai Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 23/7/2019 của HĐND tỉnh quy định chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Hiện mới có 1 nhà đầu tư đăng ký để được xem xét hưởng chính sách. Cùng với đó, tỷ lệ nợ quá hạn/tổng dư nợ cho vay DN nhỏ và vừa có xu hướng tăng, từ 2,06% (năm 2021) lên 3,5% (năm 2022). Số hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN cũng chưa đáng kể (8 DN), do lo ngại phải thực hiện các quy định về sổ sách kế toán phức tạp…

Theo ông Lê Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Hội DN nhỏ và vừa tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội DN TP. Phổ Yên, Giám đốc Công ty CP Thương mại thép Việt Cường: Cấp ủy, chính quyền tỉnh Thái Nguyên đang nỗ lực thực hiện và chỉ đạo thực hiện việc hỗ trợ, đồng hành với DN. Tinh thần, thái độ phục vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với người dân, DN cũng ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, hoạt động hỗ trợ của một số sở, ngành đôi khi còn chưa đáp ứng đúng nhu cầu của DN.

Ông Dương Văn Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Hội DN huyện Phú Bình, Giám đốc Công ty TNHH Dương Minh Quang, nêu vấn đề cụ thể: Việc điều chỉnh đơn giá xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước chưa sát với giá thị trường. Một số mã hàng còn thiếu, không được cập nhật, nên khi cần, DN phải mất thêm thời gian xin thẩm định giá.

Ở chiều ngược lại, lãnh đạo một số sở, ngành đánh giá: Một số DN nhỏ và vừa còn thụ động trước các chính sách hỗ trợ của tỉnh, chưa mạnh dạn đề xuất, kiến nghị các nội dung, nhu cầu cần được hỗ trợ. Nguồn kinh phí hỗ trợ cũng còn hạn hẹn; chưa triển khai được nhiều hoạt động mang tính đột phá, dẫn dắt DN nhỏ và vừa….

Để việc hỗ trợ DN nhỏ và vừa đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, đại diện lãnh đạo một số sở, ngành và DN mong muốn: UBND tỉnh tiếp tục quan tâm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm tối đa thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho DN; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tại các cơ quan, đơn vị, địa phương; dành nguồn ngân sách thích hợp cho công tác hỗ trợ DN nhỏ và vừa.

Đồng thời, linh hoạt trong huy động các nguồn lực hợp pháp từ cộng đồng DN, các hiệp hội DN nhằm phát huy tính liên kết, hợp tác trong hỗ trợ DN nhỏ và vừa; thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với DN để nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc và nhu cầu hỗ trợ của DN, từ đó có các giải pháp, hình thức hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình mới…