Năm 2022, ngành Nông nghiệp Thái Nguyên đối mặt với nhiều khó khăn, như: Dịch COVID-19 những tháng đầu năm diễn biến phức tạp; dịch bệnh trên đàn vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát; thời tiết bất thường, giá các loại vật tư nông nghiệp tăng cao... Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của ngành Nông nghiệp - PTNT, chính quyền các địa phương cùng sự nỗ lực của bà con nông dân, các nhiệm vụ của Ngành đều đạt và vượt kế hoạch. Dưới đây là 10 kết quả nổi bật của ngành Nông nghiệp Thái Nguyên trong năm 2022.
Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT Phạm Văn Sỹ kiểm tra tình hình sản xuất tại Hợp tác xã Bò Mông số 11, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ). |
1. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 4,14%
Năm 2022, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản toàn tỉnh (giá so sánh) ước đạt 15.267,9 tỷ đồng, bằng 100,7% kế hoạch, tăng 4,14% so với năm 2021.
Trong đó: Giá trị sản xuất nông nghiệp 14.068,2 tỷ đồng, bằng 100,7% kế hoạch, tăng 4%; giá trị sản xuất lâm nghiệp 649 tỷ đồng, bằng 100,6% kế hoạch, tăng 6,8%; giá trị sản xuất thủy sản 550,7 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch, tăng 5,9% so với năm 2021.
2. Tiếp tục gặt hái mùa vàng
Diện tích lúa gieo trồng cả năm đạt 68.258ha; năng suất ước đạt 55,98 tạ/ha; sản lượng đạt hơn 382.100 tấn, vượt 5% kế hoạch. Diện tích gieo trồng ngô cả năm đạt gần 15.250ha, năng suất đạt 49,3 tạ/ha; sản lượng đạt 75.180 tấn, vượt 3,3% kế hoạch.
Diện tích rau các loại đạt hơn 15.200ha, sản lượng ước đạt 282.538 tấn, vượt 5,5% kế hoạch. Sản lượng chè búp tươi cả năm 2022 ước đạt trên 260.070 tấn, bằng 101,6% kế hoạch; giá trị sản phẩm chè sau chế biến ước đạt trên 10,4 nghìn tỷ đồng.
3. Giá trị sản phẩm trên 1ha đất nông nghiệp trồng trọt tăng
Giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất nông nghiệp trồng trọt năm 2022 (giá hiện hành) đạt 123,2 triệu đồng, bằng 102,7% kế hoạch, tăng 5,4 triệu đồng/ha so với năm 2021.
4. Lần đầu tiên Thái Nguyên có cây trồng chủ lực được cấp mã số vùng trồng; cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC; mở rộng diện tích chứng nhận hữu cơ nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.
Năm 2022, Thái Nguyên có 36 vùng được gắn mã vùng trồng đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn 744:2020/BVTV, với tổng diện tích 286,8ha. Việc xây dựng mã số vùng trồng không chỉ là “tấm vé thông hành” để xuất khẩu nông sản mà còn gắn với trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Diện tích chè được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ là 60ha; diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) đạt 1.332ha.
5. Làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi
Do thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh, phòng chống đói, rét và không có các ổ dịch lớn xảy ra trên địa bàn nên đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định.
Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 212.835 tấn, vượt 34,7% kế hoạch. Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt 6.000ha, sản lượng đạt 17.241 tấn, bằng 101,4% kế hoạch.
Cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản kiểm tra mô hình sản xuất chè an toàn tại xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên). |
6. Ổn định tỷ lệ che phủ rừng trên 46%; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95,5%
Giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2022 ước đạt 649 tỷ đồng, tăng 6,8% so với năm 2021 (tương đương 42,6 tỷ đồng); sản lượng gỗ khai thác đạt trên 255.000m3, tăng 6,27%. Diện tích rừng trồng tập trung đạt 4.163,1ha, vượt 12,5% kế hoạch; ổn định tỷ lệ che phủ rừng đạt 46%.
Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95,5%, bằng 100% kế hoạch.
7. 119/137 xã đạt tiêu chí nông thôn mới (NTM)
Hết năm 2022, toàn tỉnh có 119/137 xã đạt tiêu chí NTM; trong đó 109 xã đã có quyết định công nhận, 10 xã đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn (đạt tỷ lệ 86,86%); 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (9 xã đang hoàn thiện hồ sơ công nhận, vượt 1 xã so với kế hoạch đề ra) và 4 xã NTM kiểu mẫu đang hoàn thiện hồ sơ công nhận.
Ngoài ra, huyện Phú Bình đã có 100% xã đạt chuẩn NTM, đang hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương thẩm định.
8. Toàn tỉnh có 173 sản phẩm OCOP được xếp hạng
Năm 2022, toàn tỉnh có 44 sản phẩm OCOP được công nhận mới (trong đó có 1 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao đề nghị Trung ương công nhận); có 13 sản phẩm được đánh giá, công nhận lại, nâng tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh lên 173 sản phẩm.
9. Công tác chuyển đổi số đạt nhiều kết quả tích cực
Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Kế hoạch số 2121/KH-SNN ngày 09/7/2021 về thực hiện Chương trình chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và PTNT giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 682/KH-SNN ngày 16/3/2022 về Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và PTNT năm 2022.
Tổ chức trên 60 lớp tuyên truyền, tập huấn về chuyển đổi số với khoảng 3.500 lượt người tham dự, 90.000 hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số, tạo gian hàng số với khoảng 2.000 sản phẩm nông nghiệp được quảng bá trên các sàn thương mại điện tử, cấp trên 662.000 tem truy xuất nguồn gốc QRCode cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh; triển khai đăng ký mã số, mã vạch và website quảng bá sản phẩm cho 132 doanh nghiệp, hợp tác xã.
173 sản phẩm OCOP của tỉnh đã được giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên các nền tảng, như: C-Thái Nguyên, VnPost, Voso, Sendo, Lazada, Shopee…
10. Cải cách hành chính và đồng hành với doanh nghiệp, hợp tác xã
Năm 2022, Sở Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng 5 hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Duy trì 84 bộ TTHC mức độ 4 (đạt 100%) trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, tiếp nhận và xử lý 25.646 hồ sơ mức độ 4 trên tổng số 25.709 hồ sơ, đạt tỉ lệ 99,76%.
Ngoài ra, Sở cũng tổ chức Hội nghị đối thoại, trả lời một số kiến nghị của các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; đồng thời tiếp thu, tổng hợp những ý kiến, kiến nghị về cơ chế, chính sách để trình UBND tỉnh xem xét, giải quyết trong thời gian tới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin