Để nâng cao thu nhập trên một diện tích đất canh tác, người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Thế nhưng, thời gian vừa qua, ở nhiều nơi bà con vẫn đang chặt bỏ cây này, trồng cây khác để cố gắng tìm một cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao hơn.
Anh Đồng Văn Hòa, Tổ trưởng Tổ sản xuất bưởi an toàn theo hướng hữu cơ ở xóm Gốc Gạo, xã Tức Tranh (Phú Lương), đang làm đất để chuyển sang trồng cây ổi. |
Từ chuyện cây mía
Năm 2014 trở về trước, khi mỗi ki-lô-gam đường phên được nấu từ mía có giá trên 6.000 đồng, người dân ở nhiều xóm thuộc các xã phía Nam huyện Võ Nhai (Tràng Xá, Dân Tiến, Phương Giao, Bình Long) tích cực chuyển đổi diện tích trồng những loại cây khác sang trồng mía.
Ông Trương Văn Thông, Trưởng xóm Chòi Hồng, xã Tràng Xá, nhớ lại: Thấy cây mía đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn một số cây trồng như sắn, ngô, năm 2013, bà con trong trong xóm đã chuyển sang trồng mía. Xóm có gần 200 hộ dân thì hộ nào cũng trồng mía để nấu đường phên.
Còn ông Lê Quang Hưởng, Bí thư Chi bộ xóm Tân Tiến, xã Dân Tiến, chia sẻ: Khoảng hơn 10 năm trước, hầu như gia đình nào trong xóm cũng trồng mía nấu đường phên, mía trở thành cây trồng chủ lực. Nhà ít thì 1-2 sào, nhà nhiều thì đến cả héc-ta, vào thời điểm đó, mía cho thu nhập cao hơn cây trồng khác.
Tuy nhiên, sau 4-5 năm trồng mía, đường phên rớt giá chỉ còn 1.000-2.000 đồng/kg, người dân lại phá cây mía để chuyển sang trồng các loại cây khác… Chỉ còn người dân xóm Lân Vai, xã Dân Tiến, kiên trì gắn bó với cây mía đến nay. Hiện, xóm có trên 5ha trồng mía, trước và sau Tết Nguyên đán 2023 người dân bán được giá trên dưới 30.000 đồng/kg đường phên.
Ông Hầu Văn Thành, Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm Lân Vai, cho biết: Mặc dù có thời điểm giá đường phên xuống thấp, nhưng bà con vẫn cố gắng duy trì, bởi cây mía phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây, dễ trồng, dễ chăm sóc, ngoài ra lại có thể tận dụng được những diện tích đất sỏi đá mà các loại cây trồng khác khó phát triển.
Đến cây bưởi Diễn
Lãi không đủ chi phí đầu tư, người dân xóm Tấn Tiến bỏ mía quay lại trồng ngô, nhưng khoảng năm 2015 khi giá ngô xuống chỉ còn dưới 5 nghìn đồng/kg và kéo dài nhiều vụ, người dân trong xóm bỏ ngô chuyển sang trồng cây khác.
Ông Lê Quang Hưởng cho biết: Người dân trong xóm chủ yếu sang trông cây keo và cây ăn quả các loại như: Na, bưởi Diễn, nhãn, ổi… với tổng diện tích khoảng gần 100ha. Tuy nhiên, vụ bưởi vừa qua, trung bình 1 quả bưởi Diễn đường kính trên 15cm chỉ có giá giao động từ 2-4 nghìn đồng, bằng 1/7 những năm trước. Bởi thế, nhiều hộ cũng đang tính chặt bưởi để trồng cây khác.
Không chỉ ở xóm Tân Tiến, từ sau Tết Nguyên đán 2023 đến nay, chúng tôi có dịp đến một số vùng trồng cây ăn quả trên địa bàn các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Khi được hỏi về giá bán bưởi Diễn năm nay, từ giám đốc hợp tác xã, tổ trưởng tổ hợp tác bưởi cho đến người dân trồng bưởi đều lắc đầu ngao ngán khi bán bưởi với giá thấp hoặc không bán được.
Tổ sản xuất bưởi an toàn theo hướng hữu cơ ở xóm Gốc Gạo, xã Tức Tranh (Phú Lương), được thành lập từ năm 2014 với 6 hộ tham gia, có diện tích 2,7ha. Tổ hợp tác chủ yếu trồng bưởi Diễn và bưởi Da xanh. Tuy nhiên, do bưởi Da xanh thường xuyên bị vàng lá, thối rễ nên người dân đã chặt gần hết, chỉ còn lại bưởi Diễn.
Anh Đồng Văn Hòa, Tổ trưởng Tổ sản xuất bưởi an toàn theo hướng hữu cơ, chia sẻ: Tôi trồng bưởi Diễn đến nay đã được 14 năm nhưng 2 vụ bưởi gần đây giá bán giảm dần, năm trước trung bình bán được gần 10 nghìn đồng/quả, năm nay chỉ được trung bình trên 5.000 đồng/quả, giảm 10-20 nghìn đồng/quả so với 2 năm trở về trước.
Theo chị Trần Thị Lệ Quyên do bưởi chua thu hoạch vào tháng 7, 8 Âm lịch hằng năm, thời điểm ít người dân có bưởi bán, nên vẫn có giá 20-30 nghìn/quả. |
Chia sẻ về chuyện bưởi Diễn rớt giá, chị Trần Thị Lệ Quyên, Trưởng xóm Na Tranh, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ), cho biết: Người dân trong xóm chủ yếu là bán cho thương lái và mang ra chợ xã. Nhưng 2 năm nay có ít thương lái đến thu mua, bà con đều mang ra chợ. Do bưởi Diễn chủ yếu được thu hoạch vào dịp cuối năm, vì thế cả một chợ toàn bưởi là bưởi, không những người dân trong xã mà cả thưởng lái ở nơi khác chở cả ô tô bưởi đến bán, cứ trung bình 1 bao 40-50 quả họ bán giá 100 nghìn đồng. Riêng nhà tôi có 20 gốc bưởi Diễn, năm nay chỉ bán được một ít bưởi thờ, còn lại vẫn còn nhiều quả trên cây.
Xóm Na Tranh hiện có khoảng 25ha trồng cây ăn quả, chủ yếu là cây ổi, bưởi Da xanh, bưởi Diễn. Được biết, người dân nơi đây từng trồng quất, vải, nhãn, mơ nhưng khi giá bán thấp kéo dài nhiều vụ thì đều chặt bỏ hết. Hiện nay, nhiều hộ cũng đã và đang chuyển từ cây bưởi Diễn sang trồng ổi.
Có một thực tế là cứ khi thấy cây trồng nào mang lại hiệu quả kinh tế thì người dân ở nhiều nơi lại tự phát trồng theo. Khi sản phẩm làm ra vượt quá nhu cầu của thị trường, phụ thuộc vào các thương lái dẫn đến tình trạng giá rẻ hoặc không bán được. Thiết nghĩ, các ngành chức năng và các địa phương cần có những giải pháp căn cơ, trong đó chú trọng đến vấn đề liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản. Nếu không, người dân vẫn tiếp tục loay hoay với “điệp khúc” trồng - chặt.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin