Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh gieo trồng hơn 4.800ha rau các loại. Đến thời điểm này, bà con nông dân các địa phương đã cơ bản hoàn thành kế hoạch xuống giống. Mặc dù đầu vụ mưa nhiều khiến khâu chăm sóc rau gặp khó khăn nhưng người dân đã chủ động xử lý nên đến nay nhiều loại rau đã cho thu hoạch và được bán với mức giá khá cao, đem lại nguồn thu nhập ổn định.
Người dân xã Lương Phú (Phú Bình) chăm sóc dưa chuột vụ xuân. |
Gia đình ông Nguyễn Khánh Long, ở tổ 14, phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên) có gần 1 mẫu ruộng trồng rau. Để tránh tình trạng thời tiết mưa to hay nắng gắt làm ảnh hưởng đến chất lượng rau, từ năm 2017, gia đình ông đã đầu tư nhà lưới để trồng rau an toàn.
Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Long chia sẻ: Vườn nhà tôi hiện đang có các loại rau như: cải canh, cải chíp, cải ngồng, mướp, dưa chuột. Trong đó, rau cải đã bắt đầu cho thu hoạch. Do trồng trong nhà lưới nên trong đợt mưa sau Tết Nguyên đán, diện tích rau nhà tôi không bị ảnh hưởng. Hiện nay, 1 sào rau cải có thể thu trung bình 1 tấn, với giá bán từ 15.000 đồng đến 17.000 đồng/kg, trừ chi phí gia đình tôi lãi khoảng 12 triệu đồng/sào, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Mặt khác, các giống rau cải sinh trưởng, phát triển nhanh, chỉ sau 40 ngày trồng, chúng tôi đã được bán và tiếp tục "gối" lứa mới.
Đối với gia đình chị Nguyễn Thị Lan, ở xóm Cậy, xã Huống Thượng (TP. Thái Nguyên), với 2 mẫu ruộng, chị trồng đa dạng các loại rau như: su hào, bắp cải, dưa chuột, mướp đắng, mướp hương, cà pháo…
Chị Lan cho biết: Đầu vụ xuân năm nay, thời tiết có mưa nhiều khiến một số diện tích rau ăn lá, dưa chuột bị thối, chúng tôi phải trồng lại. Mặc dù mất nhiều công chăm sóc hơn so với mọi năm nhưng bù lại rau được giá khiến bà con rất phấn khởi. Từ khi sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VieGAP, chúng tôi không bơm nước từ sông Cầu lên tưới rau như trước mà khoan giếng để chủ động nguồn nước sạch tưới rau. Ngoài ra, chúng tôi cũng dùng thuốc trừ sâu sinh học, thảo mộc để đảm bảo an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Chị Nguyễn Thị Lan, ở xóm Cậy, xã Huống Thượng (TP. Thái Nguyên) kiểm tra sâu bệnh gây hại trên ruộng bắp cải. |
Không chỉ gia đình ông Long, chị Lan mà hầu hết các hộ dân trong tỉnh có đất đai, nguồn nước thuận lợi để trồng màu đều đang tích cực phát triển sản xuất cây rau vụ xuân, nhằm góp phần nâng cao thu nhập.
Vụ xuân năm nay, Hợp tác xã Bình Minh, ở xóm Náng, xã Nhã Lộng (Phú Bình) phấn đấu gieo trồng 10ha cây màu các loại; trong đó tập trung vào những loại rau có thị trường tiêu thụ khá ổn định như: rau cải, bắp cải, su hào, cà rốt, cà chua, khoai tây, mùng tơi, đỗ cô ve…
Chị Nguyễn Thị Hiệp, Giám đốc Hợp tác xã, thông tin: Đầu vụ có mưa, khiến một số loại rau, củ, quả bị úng, thối cây nhưng bà con đã kịp thời trồng lại và tích cực chăm sóc nên hiện tại, chúng tôi vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng. Trung bình mỗi ngày, Hợp tác xã cung cấp ra thị trường từ 1 tấn đến 1,5 tấn rau, củ, quả các loại. Thời điểm này, rau đang được giá và dễ tiêu thụ. Mỗi ki-lô gam rau mùng tơi có giá 25.000 đồng; đỗ cove 22.000 đồng; rau cải các loại 20.000 đồng; su hào, cà chua 13.000 đồng… Dù chăm sóc vất vả nhưng mỗi sào rau, bà con cũng có thu nhập trên dưới 10 triệu đồng.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, diện tích gieo trồng rau các loại trên địa bàn toàn tỉnh hằng năm đạt trên 14.700ha, sản lượng 260.400 tấn, năng suất bình quân đạt 177 tạ/ha. Cơ cấu, chủng loại rau của Thái Nguyên khá phong phú, trong đó, nhóm rau ăn lá chiếm 70%; rau lấy quả 22,3%; rau lấy thân, củ, rễ là 7,7%.
Trên địa bàn tỉnh hiện đã hình thành một số vùng sản xuất rau tập trung như: Linh Sơn, Huống Thượng, Đồng Liên (TP. Thái nguyên); Nhã Lộng (Phú Bình); thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ); Động Đạt (Phú Lương); Đông Cao (TP. Phổ Yên)… với tổng diện tích trên 2.200ha. Ở một số vùng trồng rau, bà con đã sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao như: nhà màng, nhà kính, tưới nước tự động, bán tự động, giá thể thủy canh…
Thời gian qua, Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật cũng tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn bà con quy trình kỹ thuật thâm canh các loại cây trồng, sử dụng các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn. Ngoài ra, Chi cục còn thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, tình hình sâu bệnh trên đồng ruộng để khuyến cáo bà con các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Năm 2022, cơ quan chức năng ngành Nông nghiệp và PTNT đã lấy mẫu ngẫu nhiên để phân tích, đánh giá, giám sát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rau. Theo đó, 40/40 mẫu rau được lấy tại các vùng sản xuất tập trung đều cho kết quả dưới ngưỡng cho phép đối với dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Để sản xuất vụ xuân đạt hiệu quả kinh tế cao, cùng với việc thu hoạch nhanh gọn diện tích rau màu đã đến kỳ thu hoạch, ngành Nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân tích cực chăm sóc, chủ động tiêu thoát nước và làm tốt công tác phòng, trừ sâu bệnh gây hại trên các loại rau. Cùng với đó, bà con được hướng dẫn nên gieo trồng rải vụ, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để hạn chế rủi ro và nâng cao giá trị kinh tế, thu nhập từ rau màu.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin