Những năm qua, lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh có bước phát triển đáng kể, thể hiện ở tỷ trọng giá trị sản xuất trong chăn nuôi ngày càng tăng, tạo việc làm, thu nhập khá cho nhiều hộ dân. Tuy vậy, người chăn nuôi vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Điều này đòi hỏi các cấp, ngành chức năng cùng các địa phương, cơ sở chăn nuôi phải có những biện pháp cụ thể, kịp thời, phù hợp để chăn nuôi phát triển nhanh, bền vững.
Gia đình anh Nguyễn Quý Hợi, ở xóm Cà Phê, xã Minh Lập (Đồng Hỷ), xuất bán gà thịt. |
Với mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu vật nuôi theo hướng phát triển vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao, thời gian qua, tỉnh đã tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư cho chăn nuôi. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có tác động không nhỏ từ thiên tai, dịch bệnh, tốc độ phát triển và giá trị ngành chăn nuôi còn “khiêm tốn”.
Chưa phát huy hết tiềm năng
Là tỉnh ở vùng trung du miền núi phía Bắc, với diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 300 nghìn héc ta, chiếm khoảng 80% tổng diện tích tự nhiên, Thái Nguyên có nhiều điều kiện thuận lợi để chăn nuôi phát triển. Chăn nuôi hiện chiếm tỷ trọng gần 50% cơ cấu nội ngành Nông nghiệp.
Đặc biệt, Thái Nguyên có lợi thế hơn nhiều tỉnh, thành khác khi có Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên đứng chân trên địa bàn. Với truyền thống 54 năm xây dựng và phát triển, nơi đây là một trung tâm đào tạo và chuyển giao khoa học - công nghệ hàng đầu Việt Nam về nông nghiệp cho các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc.
Nhờ đó, Thái Nguyên có thêm nhiều cơ hội để ứng dụng, đưa khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm cũng như hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của mạng lưới giao thông, đặc biệt là hệ thống giao thông liên kết vùng đã giúp cho sản phẩm chăn nuôi của tỉnh đến với người tiêu dùng trên khắp cả nước.
Ngoài ra, việc phát triển nhanh chóng của các khu, cụm công nghiệp với số lượng nhân công lớn cũng là mảnh đất “màu mỡ” để tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi.
Cùng với kinh nghiệm sản xuất lâu đời, nỗ lực của người chăn nuôi, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, tập trung thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi, trong đó phải kể đến việc quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung và trang trại quy mô lớn để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, từng bước giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, nhất là việc đưa các trang trại chăn nuôi ra khỏi khu dân cư.
Ông Vũ Đức Hảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT, thông tin: Những năm qua, tỉnh đã triển khai các đề án, dự án nhằm thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển như Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực giai đoạn 2021-2025 (với sản phẩm thịt lợn, gà và trứng gà); Đề án quản lý và xây dựng hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên… Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ động tham mưu HĐND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; khôi phục, duy trì đàn lợn giống cụ, kỵ, ông bà; nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ; hỗ trợ xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tiêu chuẩn VietGAP; tạo liên kết chuỗi trong sản xuất chăn nuôi; hỗ trợ quản lý và xây dựng hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, trong đó có chăn nuôi… với kinh phí khoảng 10-15 tỷ đồng/năm từ ngân sách nhà nước.
Tất cả những tiềm năng, lợi thế trên là điều kiện thuận lợi để ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển, đem lại giá trị, thu nhập cao cho người nông dân. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn còn không ít hạn chế, xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Sản xuất nhỏ lẻ, khó tạo vùng hàng hóa tập trung
Mặc dù có nhiều lợi thế để phát triển, nhưng tổng đàn gia súc, số trang trại hiện tại trên địa bàn tỉnh so với những năm trước vẫn có sự sụt giảm (giảm 46 trang trại so với năm 2018).
Những năm qua, số trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh liên tục sụt giảm. |
Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có tổng đàn trâu, bò khoảng 90 nghìn con; đàn lợn khoảng 610 nghìn con; đàn gia cầm gần 16 triệu con. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt 6.818 tỷ đồng (tăng trên 1.000 tỷ đồng so với năm 2018). Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 212,8 nghìn tấn (tăng 63 nghìn tấn so với năm 2018). |
Theo lý giải của cơ quan chuyên môn, ngoài những quy định có phần siết chặt hơn của Luật Chăn nuôi hiện hành (yêu cầu di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép) dẫn tới tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm mạnh, thì giá cám, giá giống vật nuôi liên tục tăng cao trong khi giá bán các sản phẩm từ lợn, gà, bò xuống thấp khiến người chăn nuôi chật vật, phải giảm đàn, treo chuồng, có hộ vẫn cầm cự do đã vay vốn lớn để đầu tư chuồng trại...
Mặt khác, phần lớn hộ chăn nuôi có quy mô nhỏ lẻ, khó khăn trong việc liên kết để tiêu thụ sản phẩm. Chưa kể những năm gần đây, hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra nhiều, phức tạp khiến đàn gia súc, gia cầm dễ mắc bệnh, có gia đình phải tiêu hủy hàng trăm con lợn, hàng nghìn con gà nên nản chí, không còn mặn mà tái đàn.
Gia đình bà Nguyễn Thị Hoan, ở xóm Trung Thành, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ), bỏ trống chuồng nuôi gà từ nhiều tháng nay. |
Thời điểm chúng tôi đến thăm, một nửa diện tích chuồng nuôi gà của gia đình chị Hoàng Thị Huyền, ở xóm Hiệp Hòa, xã Phủ Lý (Phú Lương), đã bỏ trống nhiều tháng nay. Chị Huyền buồn rầu nói: Gia đình tôi nuôi gà đã nhiều năm. Trước đây, khi giá thức ăn chăn nuôi chưa tăng (chỉ khoảng 300 nghìn đồng/bao cám 25kg), tôi luôn duy trì nuôi 4.000 con gà/lứa. Từ năm 2022 đến nay, khi giá thức ăn ngày một “leo thang”, giá bán gà giảm mạnh (48 nghìn đồng/kg), cứ 1.000 con gà tôi bị lỗ từ 25-30 triệu đồng, buộc phải giảm tổng đàn xuống một nửa. Mặc dù biết là chăn nuôi không có lãi nhưng tôi vẫn phải duy trì, vì nếu không gia đình tôi sẽ không có tiền xoay sở, trả nợ ngân hàng.
Không chỉ chịu áp lực từ giá, tình hình dịch bệnh phức tạp cũng là trở ngại lớn đối với người chăn nuôi. Sau trận “càn quét” của dịch tả lợn châu Phi những năm trước, đến nay, các hộ chăn nuôi vẫn liên tục phải phòng, chống, bảo vệ đàn vật nuôi bởi nguy cơ dịch bệnh luôn tiềm ẩn, nhất là đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Bà Nguyễn Thị Quý, xóm Đầm Giáo, xã Lục Ba (Đại Từ): Tôi đã dừng hẳn việc chăn nuôi vì càng nuôi càng lỗ. Với 1.000 con gà/lứa, tôi phải lo đến 120 triệu đồng tiền cám, trong khi giá gà thương lái thu mua chỉ còn 48 nghìn đồng/kg, giảm 12 nghìn đồng/kg so với trước. Bốn hộ chăn nuôi xung quanh gia đình tôi có quy mô từ 1.000-2.000 con gà/trại cũng đã từ bỏ. |
Anh Lý Văn Nam, xóm Bầu 1, xã Văn Yên (Đại Từ), cho hay: Trước đây, trại của gia đình tôi luôn duy trì khoảng 200 con lợn nái, hơn 1.000 con lợn thịt, vậy nhưng từ năm 2022 đến nay tình hình dịch bệnh phức tạp, thi thoảng lại có con lăn ra ốm. Dù đã tiêm phòng, vệ sinh chuồng nuôi cẩn thận song tình trạng này vẫn tái diễn. Chán nản, tôi đã xuất bán dần và giờ chỉ còn lại 30 con lợn nái. Có lẽ, sau khi hết lợn, tôi phải bỏ trống chuồng trại một thời gian…
Khảo sát các hộ chăn nuôi khác, chúng tôi nhận thấy cực chẳng đã người dân mới phải tạm dừng hoặc bỏ chăn nuôi, bởi theo họ nếu chăn nuôi thuận lợi như trước thì người dân đều có cuộc sống khá từ giá trị kinh tế mà chăn nuôi mang lại. Mong muốn được hưởng các chính sách hỗ trợ trong lúc khó khăn, bình ổn giá cả để yên tâm sản xuất là nguyện vọng chung của người chăn nuôi lúc này.
Bà Trần Thị Hà, ở xóm Cà Phê, xã Minh Lập (Đồng Hỷ): Giá cám tăng quá cao trong khi sản phẩm thịt gà bán ra thị trường đang thấp hơn giá thành sản xuất khiến người chăn nuôi thua lỗ. Tôi mong các cấp, ngành sớm có biện pháp điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi cho phù hợp để người chăn nuôi đỡ chật vật. |
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, trong tổng số 728 trang trại chăn nuôi, toàn tỉnh mới có 116 trang trại, cơ sở chăn nuôi được chứng nhận VietGAP; 42 cơ sở được chứng nhận chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm ưu thế do nhận thức của người dân về chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh còn hạn chế.
Do vậy, phần lớn sản phẩm chăn nuôi được người dân tiêu thụ qua thương lái, dẫn tới lợi nhuận không cao, hay bị ép giá. Cùng với đó, việc hình thành liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn do một số chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến sâu sản phẩm chăn nuôi có mức hỗ trợ thấp, chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư; đa số người tiêu dùng vẫn có thói quen sử dụng thịt giết mổ trong ngày, được bày bán tại các chợ dân sinh, truyền thống nên phần nào “kìm hãm” sự phát triển của hệ thống cửa hàng tiện ích, chuyên bán và giới thiệu các sản phẩm chăn nuôi.
Hiện, toàn tỉnh mới chỉ có 22 chuỗi liên kết sản xuất trong chăn nuôi - giết mổ - tiêu thụ sản phẩm. Số cơ sở giết mổ tập trung chỉ mới đếm được trên đầu ngón tay...
(Còn nữa)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin