Nâng cao giá trị sản phẩm trên diện tích đất canh tác

Lương Hạnh 09:34, 23/09/2023

Giá trị sản phẩm canh tác trên 1ha đất nông nghiệp tăng từ 55 triệu đồng/năm lên hơn 123 triệu đồng là kết quả sau hơn 10 năm Thái Nguyên thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Theo đó, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng chuyên canh hàng hóa tập trung, sản xuất nông sản chủ lực, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Hiện nay, 1ha chè cho người dân thu nhập khoảng 300 triệu đồng/ha/năm. Trong ảnh: Thành viên Hợp tác xã Chè Nhật Thức, xã Phục Linh (Đại Từ) đóng gói sản phẩm chè an toàn.
Hiện nay, bình quân 1ha chè mang lại cho người dân nguồn thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm. Trong ảnh: Thành viên Hợp tác xã chè Nhật Thức, xã Phục Linh (Đại Từ), đóng gói sản phẩm chè an toàn.

Những năm gần đây, chè được xác định là cây trồng chủ lực, đóng vai trò mũi nhọn trong phát triển nông, lâm nghiệp của tỉnh. Để phát triển cây chè, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách như: Trợ giá giống chè mới; hỗ trợ phân bón hữu cơ, sinh học; chứng nhận VietGAP, hữu cơ; hỗ trợ cơ giới hóa, ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước trong sản xuất và sử dụng thiết bị hiện đại trong chế biến chè; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, kết nối, quảng bá, xúc tiến thương mại để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm...

Một trong những thành công nổi bật nhất của tỉnh là đã xây dựng được vùng sản xuất nguyên liệu chè búp tươi với quy mô lên đến trên 22.200ha, sản lượng đạt trên 260.000 tấn/năm. Giá trị sản phẩm chè búp tươi năm 2022 (theo giá hiện hành) đạt 7.800 tỷ đồng, giá trị sản phẩm chè sau chế biến đạt 10.400 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ cấu giống cùng với cơ chế, chính sách thu hút các thành phần kinh tế, nòng cốt là doanh nghiệp, hợp tác xã, tham gia vào chuỗi liên kết - tiêu thụ sản phẩm, hình thành các vùng sản xuất tập trung đã góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chè.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có các vùng chè đặc sản như: Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên), La Bằng, Hoàng Nông (Đại Từ), Trại Cài (Đồng Hỷ), Tức Tranh, Vô Tranh (Phú Lương)… cho thu nhập trên 300 triệu đồng/ha/năm.

Chị Tống Thị Xuyến, Giám đốc Hợp tác xã chè an toàn Hoan Xuyến, xã Vô Tranh (Phú Lương), cho biết: Để đảm bảo an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng, vài năm trở lại đây, chúng tôi đã sản xuất chè theo tiêu chuẩn VieGAP, hướng tới hữu cơ. Cùng với đó, bà con ứng dụng nhiều loại máy móc hiện đại vào sản xuất như: máy sao chè bằng điện, máy vò chè, máy hút chân không, kho lạnh bảo quản chè… để giảm chi phí công lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện nay, giá bán các sản phẩm chè của Hợp tác xã dao động từ 300 đến 900 nghìn đồng/kg chè tôm nõn và chè đinh từ 1,5 đến 3 triệu đồng/kg, cao hơn 20% so với trước đây.

Không riêng cây chè, đối với cây lúa, bà con nông dân cũng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn gieo cấy những giống lúa lai, lúa thuần có năng suất, chất lượng cao, kết hợp với thâm canh lúa cải tiến theo phương pháp, áp dụng giải pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM... Từ đó góp phần đưa năng suất, sản lượng lương thực của tỉnh không ngừng tăng qua các năm.

Năm 2010, năng suất lúa bình quân toàn tỉnh đạt 48,72 tạ/ha; sản lượng lương thực đạt trên 339 nghìn tấn. Đến năm 2022, năng suất lúa tăng lên 55,11 tạ/ha, sản lượng lương thực đạt hơn 461 nghìn tấn. Nhiều vùng trồng lúa chất lượng cao đã cho ra những sản phẩm được thị trường ưa chuộng như: gạo nếp Vải Phú Lương, gạo nếp Thầu Dầu Phú Bình, gạo Bao thai Định Hóa, gạo J02…

Vùng trồng na rải vụ ở xã Phú Thượng (Võ Nhai) cho thu lãi trên 260 triệu đồng/ha/năm.
Vùng trồng na rải vụ ở xã Phú Thượng (Võ Nhai) cho thu lãi trên 260 triệu đồng/ha/năm.

Nhằm phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ động tham mưu cho tỉnh triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách về khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Theo đó, ngành Nông nghiệp phối hợp tổ chức các lớp tập huấn cho bà con thực hiện chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn (VietGAP, hữu cơ); tăng cường áp dụng cơ giới hóa vào các khâu trong sản xuất.

Ngoài ra, ngành chức năng cũng tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng nhãn hiệu hàng hóa; chỉ dẫn địa lý và quản lý chất lượng nông sản; khuyến khích liên kết hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Các địa phương khuyến khích người dân liên kết trong sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm; thành lập mới các tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm tạo chuỗi liên kết bền vững và mang lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng đẩy mạnh các hoạt động về thị trường, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu gắn với từng sản phẩm hàng hóa; hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm nông sản.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã mạnh dạn đầu tư máy móc, dây chuyền thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm, như: sản xuất nông nghiệp an toàn trong nhà màng, nhà lưới; lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, nhỏ giọt... Nhờ đó, năng suất, chất lượng sản phẩm của một số loại cây trồng được nâng lên rõ rệt. Toàn tỉnh đã có 173 sản phẩm được xếp hạng OCOP từ 3 đến 5 sao.

Với những giải pháp đồng bộ, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh không ngừng tăng, năm 2010 đạt trên 7.600 tỷ đồng, đến năm 2022 tăng lên trên 15.260 tỷ đồng. Giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt năm 2010 đạt 55 triệu đồng, đến năm 2022 tăng lên trên 123 triệu đồng... Thành quả này chính là động lực thúc đẩy bà con nông dân mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, thâm canh tăng hệ số sử dụng đất để nâng cao giá trị sản phẩm trên cùng diện tích đất canh tác.