Phổ Yên: Phát triển vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp

Hoàng Cường 07:33, 21/09/2023

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thời gian qua, TP. Phổ Yên đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành các vùng chuyên canh. Không chỉ mang lại giá trị về kinh tế, việc phát triển các vùng chuyên canh còn từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân, hướng đến nền nông nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững.

Từ việc hình thành các vùng chuyên canh, đến nay, TP. Phổ Yên có trên 100ha chè theo tiêu chuẩn VietGAP.
Từ việc hình thành các vùng chuyên canh, đến nay, TP. Phổ Yên có trên 100ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Tuy cùng sản xuất trên một thửa ruộng, nhưng trước đây, nông dân xóm Đầm Mương, xã Minh Đức (TP. Phổ Yên) thường sử dụng nhiều giống lúa khác nhau theo kiểu "mạnh ai nấy làm". Sự thay đổi chỉ đến sau khi Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp an toàn Đầm Mương phối hợp với Chi nhánh Vật tư nông nghiệp TP. Phổ Yên triển khai mô hình “Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa chất lượng cao, an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP”. Từ thời điểm đó, trên cánh đồng lớn của xóm ngày càng có nhiều hộ lựa chọn gieo cấy cùng một giống lúa thuần chất lượng cao VNR20.

Bà Lê Thị Lý, người dân xã Minh Đức, phấn khởi cho biết: Qua thực tế sản xuất của gia đình, tôi nhận thấy giống lúa VNR20 không xuất hiện bệnh hại, cho hạt gạo dẻo, ngon. Về năng suất, lúa VNR20 có thể đạt đến 3 tạ/sào, tăng 1,2-1,5 tạ/sào so với giống lúa cũ. Ngoài ra, các hộ tham gia mô hình của Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp an toàn Đầm Mương còn được Chi nhánh Vật tư nông nghiệp thành phố hỗ trợ thu mua sản phẩm với giá cao hơn thị trường khoảng 7-8%. 

Theo bà Phạm Thị Hường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Đức: Tham gia mô hình “Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa chất lượng cao, an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP”, các hộ dân được hỗ trợ 40% giá giống, vật tư phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; được tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, Minh Đức đã mở rộng được 228ha diện tích lúa chất lượng cao, chiếm hơn 61% diện tích lúa toàn xã. Về hiệu quả kinh tế, sau khi trừ chi phí đầu vào, bà con tham gia mô hình thu lãi khoảng 26 triệu đồng/ha. Đến nay, sản phẩm gạo đặc sản Phổ Yên PYRIC - VNR20 của xã Minh Đức đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Cùng với vùng sản xuất lúa chất lượng cao, trên địa bàn TP. Phổ Yên còn hình thành thêm vùng chuyên canh cây ăn quả, với quy mô hơn 350ha và hơn 1.000ha trồng chè tập trung tại các xã phía Tây như Phúc Thuận, Thành Công; hơn 60ha vùng trồng rau tập trung tại các phường Đông Cao, Tân Hương.

Vùng chuyên canh rau an toàn tại phường Đông Cao (TP. Phổ Yên) mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 180 tấn rau an toàn các loại, đạt giá trị 180-200 triệu đồng/ha/năm. Ảnh: T.L
Vùng chuyên canh rau an toàn tại phường Đông Cao (TP. Phổ Yên) mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 180 tấn rau an toàn các loại, đạt giá trị 180-200 triệu đồng/ha/năm. Ảnh: T.L

Theo đánh giá, các vùng sản xuất tập trung được đầu tư mạnh về khoa học - kỹ thuật, mang lại hiệu quả vượt trội. Điển hình như các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã trồng chè theo quy trình VietGAP tại xã Phúc Thuận.

Ông Liễu Văn Thái, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất chè VietGAP xóm Chãng, xã Phúc Thuận, cho biết: Tham gia Tổ hợp tác, các thành viên được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến và bảo quản chè; hoàn thiện thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, giá bán 1kg chè búp khô hiện đã tăng lên 300 đến 400 nghìn đồng/kg, cao hơn 30% so với sản phẩm chè sản xuất theo phương pháp truyền thống.

Từ thực tế cho thấy, việc hình thành các vùng sản xuất chuyên canh đã góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, nâng sức cạnh tranh và phát triển bền vững. Từ hiệu quả thực tế, thời gian qua, TP. Phổ Yên đã đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng này

Cụ thể, thành phố khuyến khích chuyển đổi hơn 380ha đất thấp, trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả; triển khai các mô hình đưa giống mới vào sản xuất và chuyển giao khoa học kỹ thuật (tưới tiết kiệm, quy trình thực hành nông nghiệp tốt), với tổng kinh phí hỗ trợ trên 20 tỷ đồng... Qua đó góp phần từng bước hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tính đến cuối năm 2022, giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP. Phổ Yên đạt 126 triệu đồng/ha/năm (tăng 10% năm 2021). Thành phố có 7 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên; sản xuất nông, lâm nghiệp thủy sản tăng trưởng bình quân 4,5%/năm...  

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng hiện nay, một số loại cây trồng ở địa phương chưa phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung; sự gắn kết, liên kết trong sản xuất, xây dựng thương hiệu và liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm còn rời rạc; vẫn còn một bộ phận người dân sản xuất chạy theo số lượng, chưa chú trọng thời gian cách ly sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân vi sinh; chưa xây dựng mã số vùng trồng…

Để thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp, thời gian tới, TP. Phổ Yên tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách cho các vùng sản xuất, nhất là chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng, đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Chính quyền địa phương và các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất được khuyến khích tiếp tục xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và mở rộng thị trường, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt là tích cực thu hút đầu tư của các doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết chế biến, tiêu thụ nông sản trên địa bàn...